Trung Quốc mạnh tay chi tiền ngăn chảy máu chất xám

Anh Chen Xiaowei có bằng tiến sĩ sinh học tại Michigan (Mỹ) năm 2008. Là nhà nghiên cứu tại ĐH Michigan, anh có rất nhiều cơ hội có một cuộc sống tốt ở Mỹ. Với tư cách là một nhà nghiên cứu, anh được đãi ngộ tốt, đủ điều kiện chăm lo cho gia đình ở TP xinh đẹp và thân thiện Ann Arbor (bang Michigan).

Tuy nhiên, năm 2014 anh quyết định đưa cả gia đình gồm vợ và hai con về lại Trung Quốc sau khi nhận một đề nghị quá hấp dẫn từ một trường đại học Trung Quốc khiến anh không thể bỏ qua. Ngoài mức lương cạnh tranh, anh còn được hứa hẹn sẽ được cung cấp một khoản tiền cho hoạt động nghiên cứu, anh không cần phải bỏ công tìm kiếm các khoản trợ cấp cho nghiên cứu nữa và anh xem đó là một cơ hội tốt cho công việc.

Anh Chen Xiaowei hiện đang làm việc tại đại học Bắc Kinh (Trung Quốc).

Anh Chen Xiaowei hiện đang làm việc tại ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AP

Anh Chen Xiaowei hiện là một phó giáo sư tại ĐH Bắc Kinh. Khoản tài trợ nghiên cứu anh được cấp là 1,5 triệu USD.

“Tôi cảm thấy mình được tự do theo đuổi các ý tưởng của mình.” Anh cho biết nhờ khoản hỗ trợ nghiên cứu rộng rãi đó mà anh có thể thực hiện nghiên cứu về các triệu chứng của cùng một căn bệnh ở gan và ở cơ. Điều này anh đã khó có thể thực hiện được khi ở Mỹ vì khó tìm nguồn tài trợ khi phần lớn tiền tài trợ nghiên cứu khoa học ở Mỹ được bổ về theo dự án chứ không phải cho cá nhân nhà nghiên cứu, đặc biệt những nhà nghiên cứu trẻ như anh.

Đãi ngộ đặc biệt cao cho nhân tài học nước ngoài

Theo hãng tin AP (Mỹ), anh Chen Xiaowei là một trong hàng ngàn nhân tài Trung Quốc ở nước ngoài trở về nước theo chương trình 1.000 Tài năng - một trong rất nhiều nỗ lực của chính phủ Trung Quốc phát động những năm gần đây nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám.

Với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới như Trung Quốc thì việc thu hút nhân tài trở về là đặc biệt cần thiết để chuyển đổi nền kinh tế chủ yếu dựa vào bộ phận lao động chuyên môn thấp thành một nền kinh tế dựa vào sáng tạo khoa học và công nghệ kỹ thuật.

Trước thập kỷ 1980, sinh viên Trung Quốc bị cấm ra nước ngoài học tập. Sau khi Trung Quốc bỏ lệnh cấm này, số sinh viên Trung Quốc đăng ký học tại các trường ở nước ngoài ngày càng tăng. Chỉ trong năm học 2014-2015 riêng ở Mỹ đã có hơn 300.000 sinh viên Trung Quốc theo học.

Dù phần lớn sinh viên Trung Quốc học ở nước ngoài đều về nước sau khi học xong nhưng đây không phải là những nhân tài ưu tú nhất, có học vị cao và kinh nghiệm tốt về khoa học và công nghệ kỹ thuật mà Trung Quốc rất cần.

Một báo cáo năm 2014 của Viện Khoa học và giáo dục Oak Ridge thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy 85% trong số 4.121 sinh viên Trung Quốc có bằng tiến sĩ về khoa học và công nghệ từ các trường đại học Mỹ năm 2006 vẫn chọn ở lại nước Mỹ năm năm sau đó. Tuy nhiên, tỉ lệ 85% này đã là sự tiến bộ, khi tỉ lệ này một thập kỷ trước đó tới 98%.

Chương trình 1.000 Tài năng mời gọi những người có học vị cao ở nước ngoài với mức lương cao gấp mấy lần mức lương một người học tại Trung Quốc được trả, kèm theo là một khoản hỗ trợ giáo dục cho con cái họ và khoản tài trợ nghiên cứu trị giá hàng triệu USD.

Thành công, dù còn hạn chế

Chương trình 1.000 Tài năng bắt đầu năm 2008, tính tới nay đã thu hút khoảng 6.000 nhân tài ở nước ngoài về lại Trung Quốc. Lực lượng này giờ đang nắm vị trí chủ lực ở nhiều lĩnh vực: khoa học, công nghệ kỹ thuật, giáo dục, công nghiệp công nghệ cao.

Sau thành công của chương trình 1.000 Tài năng, nhiều TP, tỉnh địa phương cũng đã phát động nhiều chương trình tương tự.

Các nhân tài Trung Quốc ở nước ngoài được chính phủ Trung Quốc thu hút về nước bằng chương trình 1.000 Tài năng.

Các nhân tài Trung Quốc ở nước ngoài được chính phủ Trung Quốc thu hút về nước bằng chương trình 1.000 Tài năng. Ảnh: BIOBAY

Theo nhiều chuyên gia thì chương trình 1.000 Tài năng cũng như nhiều chương trình tương tự khác dù có cho thấy hiệu quả nhưng thành công vẫn còn hạn chế. Lý do nằm ở hệ thống ưa chuộng bằng cấp quan liêu của Trung Quốc, ở môi trường chính trị ít thân thiện, chính sách nhập cư không linh động và nhiều trở ngại khác trong đó có cả ô nhiễm.

“Tôi nghĩ các chương trình thu hút người tài về lại của Trung Quốc có đạt được thành công nhưng đó chưa phải là những người tốt nhất.”, Giám đốc Trung tâm Quan hệ xuyên quốc gia Trung Quốc tại ĐH Khoa học và công nghệ Hong Kong David Zweig viết trong một email gửi AP.

Theo ông David Zweig, cản trở ở đây chính là quyền lực quá lớn, sự cứng nhắc và quan liêu của những người làm công tác quản lý giáo dục, nghiên cứu khoa học. Chính điều này đã làm nhiều nhân tài thuộc hàng giỏi nhất ở nước ngoài ngần ngại không về vì lo ngại công việc của họ sẽ không được thuận lợi.

Hiện các lãnh đạo Trung Quốc đang cân nhắc cải cách giáo dục bậc cao và cởi mở chính sách nhập cư.

Chương trình 1.000 Tài năng những năm gần đây mới chú ý đến các nhân tài trẻ tuổi như anh Chen Xiaowei, trước đó chương trình này chỉ nhắm đến những người tài trên tuổi 40.

Theo GS triết học Li Xia tại ĐH Phục Đán (Thượng Hải), đây là bước điều chỉnh đúng đắn vì với một nhà nghiên cứu, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ kỹ thuật thì tuổi 40 là đã qua giai đoạn sung sức nhất.

Các chương trình thu hút người tài gặp nhiều băn khoăn ở cả Trung Quốc và ở nước ngoài.

Tại Trung Quốc có ý kiến liệu cung cấp cho những nhân tài nước ngoài những đãi ngộ đặc biệt thế có đáng không, có công bằng với nhân tài trong nước hay không.

“Các tài năng trong nước không phản đối việc thu hút nhân tài nước ngoài, nhưng chúng tôi muốn có sự công bằng về cơ hội, không muốn thấy sự chênh lệch ngày càng tăng như thế”, AP đưa ý kiến của GS triết học Li Xia.

Suy nghĩ này ngày càng nhiều sau sự kiện nhà khoa học Tu Youyou của Trung Quốc đoạt giải Nobel Y học 2015 vì tìm ra phương thuốc chữa sốt rét hiệu quả nhờ cây thanh hao hoa vàng. Bà là người Trung Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel Y học nhờ một công trình nghiên cứu thực hiện tại Trung Quốc. Bà cũng chưa từng học ở nước ngoài.

Còn tại Mỹ có lo ngại nỗ lực thu hút người tài Trung Quốc trên đất Mỹ có thể có ảnh hưởng không tốt đến các công ty và trường đại học Mỹ. Một vụ kiện năm 2015 ở Mỹ cho thấy một số nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ - được một trường đại học Mỹ tuyển mộ - bị cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại của một công ty ở California và làm gián điệp kinh tế.

Về nước, vừa là cơ hội, vừa là bổn phận

Với nhiều nhân tài Trung Quốc ở nước ngoài, trở về nước theo chương trình 1.000 Tài năng vừa là cơ hội, vừa cũng là bổn phận - giúp phát triển hệ thống giáo dục Trung Quốc. Họ hy vọng đưa những điều mới mẻ về giúp ích nước nhà.

Anh Chen Xiaowei thì vừa tham gia lập một tổ chức chuyên nghiệp cho các nhà nghiên cứu sinh học ở Trung Quốc.

“Luôn luôn có rất nhiều cơ hội khi đi cùng với một hệ thống đang phát triển. Có rất nhiều nhân tài chưa được gọt giũa ở Trung Quốc và tôi đã nhìn thấy cơ hội để đóng góp” - anh nói.

Anh Chen Xiaowei - hiện là Phó Giáo sư đại học Bắc Kinh trong một cuộc phỏng vấn tháng 4-2016.

Anh Chen Xiaowei - hiện là phó giáo sư ĐH Bắc Kinh trong một cuộc phỏng vấn tháng 4-2016. Ảnh: AP

Giáo sư sinh vật Shi Yigong tại ĐH Princeton (Mỹ) đã từ bỏ cả quốc tịch Mỹ để vè Trung Quốc, hiện là phó chủ tịch ĐH Thanh Hoa. Ông cho biết nhờ chương trình 1.000 Tài năng mà ĐH Thanh Hoa có thể dễ dàng thu hút các nhà nghiên cứu ở nước ngoài.

 “Trong 18 năm ở Mỹ lúc nào tôi cũng có cảm giác mình là người đứng ngoài lề, không phải là nhân tố chính. Tôi muốn trở thành một phần của quá trình”, theo GS Shi Yigong.

Bác sĩ chuyên khoa thần kinh Li Chenjian từng học tại ĐH Purdue (Mỹ), hiện là Phó Hiệu trưởng ĐH Bắc Kinh đang rất nỗ lực cải cách giáo dục. Ông chủ trương tuyển sinh đầu vào bằng cách đánh giá toàn diện quá trình học của học sinh phổ thông trung học, chứ không phải chỉ căn cứ vào điểm số từ cuộc thi tuyển đầu vào. Ông cũng nỗ lực xây dựng quan hệ giữa đại học Bắc Kinh với nhiều trường đại học ở nước ngoài để có thể hỗ trợ sinh viên học tập tốt hơn.

“Tôi nghĩ điều tuyệt vời nhất của các trường đại học Mỹ là sinh viên của họ sau khi học xong có thể đi giữ vị trí dẫn đầu ở nhiều nơi khác. Chúng ta cần thay đổi hệ thống giáo dục của mình”, theo Phó Hiệu trưởng Li Chenjian.

Nhà sinh học thần kinh Rao Yi rất nổi tiếng trong ngành giáo dục Trung Quốc. Ông từng bỏ vị trí tốt tại ĐH Northwestern (Mỹ) để về Trung Quốc làm việc tại ĐH Bắc Kinh. Ông từng có nhiều bài viết chỉ trích các hệ thống giáo dục và nghiên cứu của Trung Quốc trên các tạp chí nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm