Trung Quốc: Những câu hỏi đặt ra sau vụ Chu Vĩnh Khang

Sau một thời gian đồn đoán, cuối cùng giới chức Bắc Kinh chính thức công bố quyết định tiến hành điều tra đối với cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".

Điều đáng chú ý là trong thông báo của mình, Tân Hoa xã đã không dùng từ “đồng chí” để nói về ông Chu Vĩnh Khang như những gì đã dành cho ông Bạc Hy Lai. Điều này có thấy hai khả năng đó là ông Chu đã bị khai trừ khỏi Đảng hoặc sắp bị khai trừ.

Trung Quốc: Những câu hỏi đặt ra sau vụ Chu Vĩnh Khang ảnh 1Ông Chu Vĩnh Khang khi còn ở đỉnh cao quyền lực (Ảnh: AFP)

Đồng thời, Tân Hoa xã thay vì nói rằng, ông Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra lại cho biết trường hợp của ông này “đang được xem xét”, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hoạt động điều tra những việc làm sai trái của cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc đã gần như hoàn tất.

Trong bối cảnh ấy, dư luận chắc chắn sẽ đặt ra câu hỏi những gì sẽ xảy ra tiếp theo sau vụ ông Chu? Để trả lời câu hỏi này, tờ Wall Street Journal cho rằng có bốn vấn đề cần phải quan tâm.

Đầu tiên, tại sao trường hợp của ông Chu lại được công bố?

Nếu chỉ bị xử lý kỷ luật Đảng, ông Chu có thể thoát khỏi các án phạt nặng nhưng trong trường hợp ấy, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ bị dư luận đặt dấu hỏi lớn về khả năng cũng như cam kết tiến hành cải cách của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ông Tập từng tuyên bố sẽ tiêu diệt “cả hổ lẫn ruồi” nếu nhúng chàm và do đó, ông không còn lựa chọn nào khác là phải cho công bố công khai trường hợp của ông Chu Vĩnh Khang.

Thứ hai, tại sao trường hợp của ông Chu lại được công bố vào thời điểm này?

Trước đây, có nhiều người cho rằng việc công khai điều tra sẽ được tiến hành từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra và chỉ đến khi một số người bắt đầu cảm thấy rằng chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc đã chững lại, số khác tỏ ra nghi ngờ lời hứa của ông Tập, sự việc mới được công khai.

Trung Quốc cũng có thể đưa trường hợp của ông Chu Vĩnh Khang ra bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 4 khoá 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc tới đây nhưng điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chương trình nghị sự chính là bàn về cải cách quy định của pháp luật, cải cách kinh tế. Bên cạnh đó, việc đưa vấn đề này vào chương trình Hội nghị có thể sẽ khó đạt được sự đồng thuận.

Và lựa chọn để công bố trường hợp của ông Chu ở thời điểm hiện tại được cho là bước đi hợp lý của Trung quốc bởi vấn đề này sau đó sẽ chỉ cần tham khảo qua ý kiến của các thành viên Bộ Chính trị và cựu lãnh đạo cấp cao trong Đảng.

Thứ ba, sẽ có các “con hổ” sau ông Chu bị điều tra?

Khả năng này là hoàn toàn có thể xảy ra bởi việc phá vỡ một quy tắc bất thành văn là các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ không bị động đến sau khi đã nghỉ hưu không đơn thuần là phép thử của ông Tập với “hệ miễn dịch” của các thành viên Bộ Chính trị. Thay vào đó, dường như Trung Quốc đang cố gắng để đưa ra lời cảnh báo đối với các quan chức cấp cao khác cần phải tránh xa tham nhũng.

Trên thực tế, việc công bố trường hợp của ông Chu Vĩnh Khang được cho là kết quả của một sự thương lượng, thỏa hiệp giữa các nhân vật cấp cao ở Trung Quốc. Nếu ông Tập đi xa hơn trong việc xử lý các “con hổ” khác, điều này có thể làm nhiều chính trị gia cấp cao phải e dè, dẫn đến ảnh hưởng tới môi trường chính trị của Trung Quốc.

Thứ tư, trường hợp của ông Chu sẽ được xử lý thế nào?

Những gì đã xảy ra với ông Bạc Hy Lai cho thấy, gần như chắc chắn ông Chu Vĩnh Khang sẽ được xét xử tại tòa án. Điều này đã được Tân Hoa xã ngầm tiết lộ trong tuyên bố của mình, theo đó Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định bất kể ai, dù ở vị trí nào và đã có đóng góp cho đất nước ra sao vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm kỷ luật, vi phạm các quy định của luật pháp./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm