Trung Quốc quậy biển Đông, Malaysia đổi cách ứng phó?

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tại hội nghị Malaysia Beyond 2020 ở Kuala Lumpur hôm 21-10 nói việc Trung Quốc (TQ) và Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở biển Đông có thể làm mất ổn định tuyến đường vận tải quan trọng, theo báo Malay Mail.

“Ở khu vực eo biển Malacca và biển Đông, việc đi lại của tàu bè vẫn tự do, không bị cản trở nhưng một khi các bên bắt đầu điều động tàu chiến thì sẽ thành vấn đề. Điều đó có thể dẫn đến chiến tranh” - Thủ tướng Mahathir Mohamad nói.

Từ chủ trương phi quân sự hóa

Trước đó không lâu, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad công bố khung hướng dẫn mới đối với chính sách đối ngoại của Malaysia. Với chủ đề “Thay đổi liên tục”, khung chính sách mới khẳng định: “Về cơ bản, biển Đông phải là vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần của Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN). Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN”.

Như vậy, chủ trương của Thủ tướng Malaysia là phi quân sự hóa biển Đông, khu vực đang xảy ra nhiều tranh chấp và biến nơi này thành một khu vực hòa bình, hữu nghị.

Mặt khác, dù thừa nhận liên tục theo dõi và phát hiện các tàu TQ đi vào khảo sát dầu khí trái phép trong vùng biển của Malaysia ở biển Đông, Thủ tướng Mahathir Mohamad từng tuyên bố không muốn có lập trường đối đầu với Bắc Kinh về vùng biển Đông, đồng thời thừa nhận rằng Malaysia quá nhỏ bé để đối mặt với sức mạnh và tham vọng của TQ.

Phát biểu của ông Mahathir Mohamad khiến nhiều người nhớ lại những nội dung tương tự trong tuyên bố của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Trong đó, người đứng đầu chính quyền Manila thừa nhận “không thể làm gì được TQ”, “không ngăn được ông Tập Cận Bình đánh bắt cá ở biển Đông” và “thậm chí Mỹ còn sợ TQ”.

Có thể thấy khá rõ chủ chương nhượng bộ TQ của Thủ tướng Malaysia khi thời gian qua Bắc Kinh liên tục gây hấn tại biển Đông nhưng phản ứng của Malaysia là rất hạn chế, đặc biệt khi Bắc Kinh đầu tư vào các dự án tỉ USD ở Malaysia trong khung khổ sáng kiến Một vành đai, Một con đường.

Có một số lý do để giải thích chủ trương mềm dẻo của Malaysia: (i) TQ là đối tác kinh tế lớn nhất của Malaysia tính đến nay; (ii) TQ tăng cường đe dọa, bắt nạt khiến Malaysia sập bẫy tâm lý; và (iii) hệ thống quân sự của nước này còn quá cách biệt so với TQ.

Thủ tướng Mahathir Mohamad có chủ trương phi quân sự hóa biển Đông. Ảnh: BERNAMA

Không thể tiếp tục nhân nhượng?

Khác với thái độ cầu thị của Malaysia, TQ ngày càng lấn tới ở biển Đông, ức hiếp các quốc gia trong khu vực và không loại trừ bất kỳ ai. Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) trong báo cáo công bố ngày 26-9 cho biết ít nhất một tàu hải cảnh TQ bị phát hiện hoạt động ở cụm bãi cạn Luconia trong suốt 258 ngày trong năm qua. Như vậy, TQ dùng hơn 70% thời gian trong năm để tiếp cận khu vực Malaysia tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Theo AMTI, TQ bắt đầu tuần tra quanh khu vực Luconia kể từ năm 2013.

Thực tế vào tháng 9-2019, Malaysia và TQ đã đồng ý thiết lập một cơ chế đối thoại chung về biển Đông. Trong dịp này, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị phát biểu rất vô lý trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah, rằng: Năm 2019, căng thẳng ở biển Đông đã giảm. Theo giới quan sát, dù có cơ chế đối thoại chung nhưng trên thực tế, mối quan hệ TQ - Malaysia vẫn ở trình trạng “bằng mặt nhưng không bằng lòng”.

Trung Quốc quậy biển Đông, Malaysia đổi cách ứng phó? ảnh 2
 

Chúng tôi vẫn rất nghi ngờ về sự chân thành của TQ khi đàm phán COC có ý nghĩa và phù hợp với luật pháp quốc tế. Nếu Bắc Kinh dùng COC để hợp pháp hóa các tuyên bố chủ quyền phi pháp của họ trên biển và rời bỏ các cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế thì việc xuất hiện COC chỉ làm hại đến an ninh khu vực cũng như lợi ích của các nước tôn trọng tự do hàng hải.

Báo The Washington Post dẫn lời Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương DAVID R. STILWELL 

Trong bối cảnh TQ kéo tàu khảo sát dầu khí, tàu hải cảnh, lực lượng dân quân biển và thậm chí là tàu chiến đi gây rối ở khắp các vùng biển Đông, có ý kiến cho rằng Malaysia dần nhận ra tình thế “càng nhân nhượng càng bị lấn tới”. Hôm 17-10, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah tuyên bố Malaysia phải tăng cường năng lực hải quân để đối phó với kịch bản tồi tệ nhất của cuộc xung đột có thể xảy ra ở biển Đông, theo hãng tin Reuters.

Ngoại trưởng Saifuddin nhận xét khí tài của hải quân Malaysia thậm chí còn không bằng hải cảnh TQ, vốn xuất hiện thường xuyên xung quanh bãi cạn Nam Luconia, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. “Tàu của chúng ta nhỏ hơn tàu của TQ... Chúng ta không muốn xung đột xảy ra nhưng trang thiết bị cần được nâng cấp để có thể kiểm soát vùng biển của mình tốt hơn trong trường hợp xung đột giữa các cường quốc nổ ra ở biển Đông” - ông Saifuddin nói trước Quốc hội Malaysia.

Động thái này của Malaysia khiến nhiều người đặt nghi vấn: Liệu ông Saifuddin, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Malaysia, có đang mâu thuẫn với chính sách của Thủ tướng Mahathir Mohamad? Hay tuyên bố tăng cường năng lực hải quân Malaysia của Ngoại trưởng Saifuddin là chỉ dấu cho việc điều chỉnh chính sách về biển Đông của Malaysia? Theo chuyên gia phân tích chính trị Marcus Tantau tại Kuala Lumpur (viết trên tờ The Diplomat), rất khó có câu trả lời chính xác trong giai đoạn hiện tại.

Marcus Tantau cho rằng cần phải chờ đến khi Sách trắng Quốc phòng Malaysia được trình Quốc hội nước này vào ngày 2-12 tới đây để có thể hiểu rõ hơn ý định và chính sách cụ thể của Malaysia về biển Đông, đặc biệt về quan điểm quân sự hóa khu vực.

Mỹ, Brunei tổ chức tập trận chung

Trung Quốc quậy biển Đông, Malaysia đổi cách ứng phó? ảnh 3
Hình ảnh diễn tập chung Mỹ - Brunei. Ảnh: CNN

Hôm 20-10, quân đội hoàng gia Brunei tuyên bố đã hoàn thành xong cuộc tập trận chung với nhóm tàu đổ bộ USS Boxer và đơn vị Thủy quân Lục chiến số 11 của Mỹ. Các hoạt động bao gồm: Mô phỏng chiếm bờ biển, tác chiến trong môi trường rừng rậm và các buổi huấn luyện cấp cứu trên chiến trường. Được biết đây là một phần của cuộc tập trận thường niên “Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển” (CARAT) Mỹ thực hiện với nhiều quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm