Trung Quốc sẽ giành miếng bánh Syria?

Các tín hiệu từ Nhà Trắng cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như sẵn sàng nhường việc giải quyết xung đột Syria cho phía người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Nhưng dù có kết thúc được xung đột Syria, Tổng thống Putin vẫn đối mặt với bài toán tìm nguồn tiền tái thiết đất nước hơn sáu năm loạn lạc.

Khoảng trống tái thiết

Khoản kinh phí này sẽ vượt quá khả năng hỗ trợ của Nga, đặc biệt sau khi Điện Kremlin đã chi quá nhiều cho chiến dịch không kích Syria với hơn 3 triệu USD/ngày. Trong khi đó, các nước giàu có vùng Vịnh cũng sẽ không chi tiền một khi Tổng thống Bashar al-Assad còn tại vị. Iran dù không thù địch với ông al-Assad nhưng kinh tế cũng đang chật vật và còn cần đầu tư đề phòng xung đột với Mỹ.

Sử gia Syria Sami Moubayed, nguyên là chuyên gia quỹ chính sách Carnegie (Mỹ), cho rằng Trung Quốc (TQ) đang rộng cửa giành lấy miếng bánh béo bở này. Viết trên National Interest, ông Moubayed nhận định TQ là nước vừa có mong muốn cao nhất, vừa có tiềm lực nhiều nhất để vào cuộc tái thiết Syria. Theo ông, TQ sẽ nhảy vào cuộc nếu được đổi lại các điều kiện ưu đãi kinh tế.

Món quà cho Trung Quốc?

Ông Moubayed cho rằng mối quan hệ hai nước đủ cơ sở để kịch bản này trở thành hiện thực. Quan hệ song phương Bắc Kinh-Damascus đã được thiết lập từ hơn 60 năm trước. Syria là nước Ả Rập đầu tiên công nhận và gửi đại sứ sang TQ. Năm 2004 Tổng thống al-Assad là lãnh đạo Syria đầu tiên thăm TQ.

Thời điểm bắt đầu nội chiến Syria (năm 2011), đối tác thương mại hàng đầu của Syria chính là TQ với tổng giá trị xuất khẩu hơn 2,4 tỉ USD. Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia TQ có cổ phần trong hai công ty dầu khí lớn nhất Syria. Bắc Kinh cũng mong muốn tái khởi động đàm phán những hợp đồng dầu khí hàng tỉ USD tại các mỏ mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang chiếm giữ. Về mặt an ninh, Bắc Kinh cũng cần Syria hỗ trợ tình báo và giải quyết vấn đề các phần tử Hồi giáo cực đoan. Thông tin tình báo của Bắc Kinh ghi nhận hiện có hơn 300 người Duy Ngô Nhĩ đang chiến đấu ở Syria. Các cơ quan an ninh TQ muốn các tay súng này bị tiêu diệt tại Syria hoặc bị dẫn độ về nước để xét xử.

Tái thiết Syria sẽ phải cần khoản tiền rất lớn, Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào để đổi lấy các lợi ích kinh tế và an ninh. Ảnh: GETTY IMAGES

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Syria Walid al-Moallem (trái) gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh năm 2015. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Đại sứ quán TQ ở thủ đô Damascus (Syria) nằm cách đại sứ quán Mỹ chỉ vài mét và chưa từng đóng cửa kể từ khi xung đột xảy ra. Hoạt động của cơ quan này vẫn duy trì, giữ đầu mối cho các thỏa thuận kinh tế, các dự án tái thiết trong tương lai. Cơ hội được chia phần béo bở trong miếng bánh tái thiết Syria của TQ rất cao. Chìa khóa quyết định viễn cảnh này không ai khác ngoài Tổng thống Putin, ông Moubayed nhận định.

Với nhà lãnh đạo kỳ cựu của Điện Kremlin, tạo điều kiện dự phần tái thiết Syria sẽ là phần thưởng xứng đáng cho sự ủng hộ của Bắc Kinh những năm qua, kiên quyết không can thiệp vào vấn đề Syria. TQ từng hai lần dùng quyền phủ quyết của mình ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn các nghị quyết chống lại chính phủ Syria do Pháp và Saudi Arabia soạn thảo.

Một số nước còn lại trong nhóm BRICS (nhóm năm nền kinh tế đang phát triển) là Brazil, Ấn Độ và Nam Phi cũng đang lăm le nhảy vào tái thiết Syria. Các nước BRICS là thành viên của nhóm G20, có nền kinh tế phát triển rất nhanh, chiếm gần 1/2 dân số thế giới (hơn 3,6 tỉ dân). Tổng GDP năm nước này là 16.600 tỉ USD/năm, tương đương 22% tổng GDP thế giới. Một số nước đã bắt đầu nói chuyện làm ăn với Syria. Giữa năm 2016, Ấn Độ quyết định đầu tư 320 triệu USD xây nhà máy điện hạt nhân và hoàn thành một nhà máy thép ở Syria.

_________________________________

180 tỉ USD là số tiền mà Syria cần có để tái thiết sau chiến tranh, theo tuyên bố của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim vào tháng 4-2016. Tuy nhiên, theo ông Moubayed, chính quyền Damascus sẽ cần đến gần 1.000 tỉ USD để hồi phục đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm