Trung Quốc suy tính gì khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan?

Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ tạo ra một khoảng trống địa chính trị - kết quả không thể tránh khỏi của bất kỳ cuộc rút lui nào, dù là về mặt vật lý hay chính trị. Một sự thật khác là các chân không địa chính trị, giống như tất cả các chân không, chưa bao giờ ở trong tình trạng không lấp đầy được lâu.

Một tác nhân chính liên quan đến câu hỏi Afghanistan là Trung Quốc (TQ). Theo trang tin EurAsia Review thì đối với Bắc Kinh, Afghanistan vừa là hành lang địa lý vừa là mảnh đất màu mỡ mà từ đó các hiểm họa an ninh có thể xuất hiện, đe dọa không chỉ việc TQ quyết nắm giữ tỉnh Tân Cương mà còn cả vị thế của nước này ở Trung Á - một khu vực quan trọng đối với việc thực hiện chính sách mang dấu ấn của ông Tập Cận Bình, đó là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trong một cuộc gặp. Ảnh: BLOOMBERG

Những lợi ích của TQ ở Afghanistan, quốc gia có đường biên giới dài 80 km, đã trở nên phức tạp trong thập niên qua. Các kế hoạch rút quân của Mỹ gây ra những lo ngại cả ngắn hạn và dài hạn ở TQ.

Trung Quốc lo gì?

Đầu tiên là vấn đề an ninh. Afghanistan là nơi trú đóng của các tổ chức cực đoan người Duy Ngô Nhĩ bị cáo buộc tìm kiếm độc lập cho khu vực Tân Cương, cũng là các nhóm bị Bắc Kinh quy kết đứng sau các vụ tấn công khủng bố ở TQ trong những năm 1990-2000.

Có lẽ đây là lý do đằng sau cáo buộc của giới lãnh đạo TQ rằng kế hoạch rút quân của Mỹ đã “dẫn đến một loạt các vụ tấn công bạo lực trên khắp đất nước, làm xấu đi tình hình an ninh và đe dọa hòa bình, ổn định cũng như cuộc sống và sự an toàn của người dân”. Thật vậy, vào ngày 8-5, một vụ đánh bom bên ngoài một trường học ở Kabul đã giết chết ít nhất 90 người và làm bị thương hàng chục người khác, theo tờ The New York Times. Tình cảm tương tự cũng được chia sẻ trong một cuộc điện đàm gần đây giữa hai ngoại trưởng TQ và Pakistan.

TQ cũng lo ngại rằng từ một viễn cảnh kéo dài hàng thập niên, việc Mỹ rút khỏi Trung Đông và Afghanistan có thể có lợi cho Washington vì nó sẽ phục vụ hai mục tiêu quan trọng đối với Mỹ. Thứ nhất, khoảng trống sẽ khiến TQ phân tâm khỏi các khu vực khác (đáng chú ý nhất là Thái Bình Dương); và thứ hai, Mỹ sẽ rảnh tay hơn và có nhiều nguồn lực hơn để tập trung vào việc kiềm chế TQ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

TQ là đấu thủ chính ở đây. Không một cường quốc nào khác có đủ ảnh hưởng, cả về tài chính hay địa chính trị, để có tác động sau sự ra đi của người Mỹ trên toàn bộ lãnh thổ từ Trung Á đến Địa Trung Hải. TQ đã đạt được tiến bộ to lớn trong việc củng cố vị thế ở khu vực này, nhưng cần nhớ rằng Bắc Kinh lo ngại rằng họ đã bị đẩy đi theo con đường này bởi sức mạnh của Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương. Thật vậy, lo ngại về sự phản công tiềm tàng từ Mỹ trên các vùng biển trong trường hợp xảy ra xung đột khiến TQ hướng nội, hướng về trung tâm Âu-Á, để bù đắp sự bất an cho hải quân của họ. Từ đó BRI xuất hiện.

Và có khoảng trống để TQ lấp đầy. Trung Á, mặc dù là không gian truyền thống cho ảnh hưởng địa chính trị của Nga, nhưng lại là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động kinh tế của TQ. Điều này cũng đúng với Pakistan và gần đây là Iran. Xa hơn về phía tây, ảnh hưởng của Bắc Kinh cũng đang gia tăng ở Địa Trung Hải.

Điều này diễn ra vào thời điểm mà khát vọng đơn cực của Mỹ đã bị tiêu tan, và cuộc xâm lược Iraq và sự hiện diện quân sự ở Afghanistan đã làm suy yếu quyền lực của Mỹ và dự án chủ nghĩa quốc tế tự do. Về lâu dài, điều này đã gây ra sự phản đối từ các quốc gia trong khu vực và hiện ngày càng có nhiều nỗ lực phối hợp để gạt Washington hoàn toàn trong cả những cuộc đàm phán hòa bình và các vấn đề an ninh. Hoàn cảnh thuận lợi để TQ hướng về phía Tây, nhưng áp lực của Mỹ là công cụ thúc đẩy quá trình này.

Những bước đi khả dĩ của Bắc Kinh

Theo EurAsia Review, việc Mỹ rút quân mang đến cho TQ một cơ hội nổi bật: thúc đẩy một trật tự thế giới thay thế, trong đó sự hiện diện quân sự của phương Tây ở châu Á giảm đi và TQ có nhiều cơ hội hơn để điều động về phía tây biên giới của mình.

Điều này cũng phù hợp với tầm nhìn của các quốc gia có cùng chí hướng khác hiện đang hình thành một phong trào phi tự do, trong đó khái niệm của người Westphalia về quyền ưu tiên và bất khả xâm phạm của nhà nước và biên giới của nó được đề cao một cách sốt sắng.

Ý kiến này được lặp lại trong phản ứng ban đầu trước tuyên bố của Mỹ từ Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị, người cho rằng Bắc Kinh ủng hộ việc rút quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan và sẵn sàng giúp thúc đẩy “ổn định và phát triển” trong tương lai. Theo quan điểm của Bắc Kinh, sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan đã đi chệch hướng từ lâu khỏi mục tiêu ban đầu là chống khủng bố và biến thành một dự án địa chính trị nhằm ngăn chặn sự phát triển quyền lực của TQ.

Binh sĩ Afghanistan trong một cuộc giao tranh với Taliban. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, về lâu dài, việc TQ tham gia nhiều hơn vào vấn đề hóc búa ở Afghanistan sẽ khiến nước này phân tâm khỏi các sân khấu địa chính trị quan trọng khác, nơi họ cạnh tranh với Mỹ. Do đó, đối với TQ, tác động tiêu cực của việc Mỹ rút quân vượt xa những lợi thế tiềm tàng mà nó có thể mang lại đối với quan niệm của người phương Tây và sự gia tăng sức mạnh nói chung của TQ ở Tây Á.

Sau nữa, điều gì có thể là một lựa chọn chính sách đối ngoại khả thi để Bắc Kinh duy trì một môi trường ít gây hại hơn ở Afghanistan? Một ý tưởng được các nhà phân tích đưa ra là lập luận rằng TQ có thể xem xét việc chuyển đổi sự hiện diện an ninh còn non trẻ và hạn chế của mình ở phía bắc Afghanistan thành một hoạt động quân sự rộng lớn hơn; tức là sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Điều này sẽ phụ thuộc vào mức độ của các mối đe dọa an ninh phi quốc gia, nhưng con đường an ninh khả dĩ nhất mà TQ sẽ thực hiện là hợp nhất nỗ lực với các quốc gia khác trong khu vực để ngăn chặn và quét sạch các tế bào khủng bố và cực đoan ở Afghanistan khi cần thiết. Nga, Pakistan và Iran sẽ sẵn lòng làm việc với TQ về vấn đề này, vì điều đó sẽ gạt sang bên phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng trong khu vực.

Theo một cách nào đó, động lực này có thể mang lại nỗ lực lớn hơn từ bốn quốc gia tham gia, vì tất cả các thành viên trong bộ tứ được cho là đều phải chịu áp lực tương tự (ở các mức độ khác nhau) từ phương Tây. Họ tìm cách thiết lập, nếu không phải là một trật tự thế giới hoàn toàn thay thế (như trường hợp của TQ), thì ít nhất là một trật tự thế giới được điều chỉnh lại đáng kể để phù hợp với lợi ích quốc gia của họ. Bộ tứ này thậm chí có thể tỏ ra hiệu quả hơn quá trình xây dựng nhà nước kéo dài và không thành công của người Mỹ ở Afghanistan. Các nhà phân tích TQ đã nhận định rằng sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực sẽ cung cấp một chiếc ô an ninh hiệu quả hơn, theo EurAsia Review.

Bộ tứ có thể báo trước những nỗ lực nhằm cấm Taliban cai quản đất nước nhưng sẽ ra sức kiềm chế nó khi cần thiết, tái tạo và tác động đến hành vi của Taliban để nhóm này tương thích với các mục tiêu an ninh của TQ, Nga, Pakistan và Iran.

Không quan tâm đến hệ thống quản lý nội bộ của các quốc gia là một dấu hiệu nổi bật trong tầm nhìn thế giới của TQ, theo đó, hợp tác kinh tế và an ninh là động lực chính thay vì chuyển đổi sang chủ nghĩa tự do (hoặc bất kỳ hình thức nào khác) - điều mà Mỹ theo đuổi nhưng không thành công ở Afghanistan. Đây có thể là cơ sở vững chắc cho sự hợp tác với bất kỳ chính phủ nào sẽ nắm quyền ở quốc gia này.

Lựa chọn một giải pháp quân sự đơn phương hoặc thậm chí là một giải pháp quân sự do bộ tứ lãnh đạo cho vấn đề Afghanistan có thể sẽ không hiệu quả đối với TQ và ba bên khác như đối với Mỹ.

Một điểm mới khác mà TQ có thể thúc đẩy là cho phép Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) thực hiện vai trò an ninh tích cực hơn ở Afghanistan. Đây sẽ là mô hình cho các hoạt động tương tự trong tương lai của SCO, vốn vẫn chưa có cơ hội chứng tỏ bản lĩnh của mình.

Một chiến lược tinh vi hơn sẽ được tìm kiếm - một chiến lược sẽ khiến Taliban hợp tác, nhưng phù hợp hơn với lợi ích kinh tế và an ninh của TQ và các cường quốc tiềm năng khác của bộ tứ. Không có khả năng TQ sẽ đơn giản để Afghanistan làm điều nước này muốn. Mặc dù đến cuối năm 2017, TQ đầu tư rất ít vào Afghanistan (400 triệu USD), nhưng sức hấp dẫn kinh tế của nước này quá quan trọng nên không thể bỏ qua — nguồn lợi khoáng sản ước tính có giá trị từ 1-3 nghìn tỷ USD.

Sau khi các lực lượng Mỹ rời khỏi Afghanistan, TQ sẽ phải đối mặt vấn đề hậu quả an ninh tiềm tàng ở Trung Á và Tân Cương. Nhưng nước này cũng sẽ thấy những lợi ích lâu dài trong một khu vực được giải phóng khỏi sự hiện diện của quân đội Mỹ và tiềm năng thiết lập một cơ chế thay thế để giải quyết vấn đề Afghanistan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm