Trung Quốc tăng tàu hải giám ở biển Đông

Báo China Daily của Trung Quốc ngày 16-6 đưa tin, cơ quan hải giám Trung Quốc đã chuẩn bị kế hoạch nâng cao năng lực mềm (trình độ kỹ thuật, công nghệ) và năng lực cứng (trang thiết bị, cơ sở hạ tầng) cho lực lượng hải giám. Mục đích nhằm tăng số lượng lẫn chất lượng đối với lực lượng tuần tra trên biển Đông.

Tăng tàu hải giám lên gấp đôi

Tổng đội Hải giám trực thuộc Cục Hải dương quốc gia (Bộ Tài nguyên và đất đai). Tổng đội hiện có một tổng đội khu vực biển, 11 sở hải giám cấp thành phố (tỉnh, khu vực), 104 chi đội và 206 đại đội. Nhiệm vụ chủ yếu hiện nay là giám sát tàu thuyền trên biển.

Theo tiết lộ của quan chức cao cấp ở Tổng đội Hải giám, lực lượng hải giám từ 9.000 người sẽ tăng lên 15.000 người vào năm 2020, số tàu hải giám sẽ tăng gấp đôi. Lực lượng sẽ được quán triệt hai chức năng gồm giám sát hành chính và bảo vệ chủ quyền, hoàn thành ba nhiệm vụ phát triển về tổ chức gồm con người, trang thiết bị và kỹ thuật.

Trung Quốc tăng tàu hải giám ở biển Đông ảnh 1

Tàu hải giám Trung Quốc tại cảng Trường Châu thuộc TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: HUANQIU.COM

Hồi tháng 5, Sở Nghiên cứu chiến lược phát triển hải dương thuộc Cục Hải dương quốc gia đã công bố Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc 2011.

Báo cáo nhận định tranh chấp chủ quyền trên Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông đã có thay đổi mới, các nhân tố bất ổn tuyên bố chủ quyền biển ngày một tăng.

Báo cáo xác định vấn đề chủ yếu là bảo vệ chủ quyền các hòn đảo, ranh giới hải phận, do đó báo cáo ghi nhận cần phải tăng cường lực lượng giám sát biển.

Từ năm 2010, Trung Quốc đã bắt đầu chế tạo 36 tàu hải giám cấp 1.000 tấn và 54 tàu hải giám hạng nhẹ, tăng cường thêm 1.000 nhân viên hải giám. Tuy nhiên, hiện nay chức năng giám sát của lực lượng hải giám lại chồng chéo với các lực lượng chấp pháp trên biển khác như ngư chính (Bộ Nông nghiệp), Cục Chống buôn lậu trên biển (Tổng cục Hải quan), Cục Hải sự (Bộ Giao thông) và cảnh sát biển thuộc Cục Quản lý biên phòng (Bộ Công an).

Tàu chiến Philippines ra biển

Trong khi đó, ngày 17-6, đài truyền hình Channel News Asia (Singapore) đưa tin hôm trước đó, hải quân Philippines thông báo đang chuẩn bị triển khai tàu chiến BRP Rajah Humabon tuần tra ở bãi Scarborough Shoal (không thuộc quần đảo Trường Sa).

Tàu có 68 thủy thủ và tám sĩ quan, thuộc hạng cổ nhất thế giới, đã được hải quân Mỹ sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai và hải quân Philippines bắt đầu sử dụng từ năm 1980.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng khẳng định Philippines triển khai tàu chiến tuần tra không liên quan đến sự kiện Trung Quốc triển khai tàu hải giám 31 đến Singapore hôm 15-6. Theo báo Philstar của Philippines, hôm 16-6, Trung tá Celestino Abalayan chỉ huy tàu chiến BRP Rajah Humabon khẳng định nhiệm vụ của tàu không liên quan đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông.

Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh dzMM của Philippines ngày 17-6, người phát ngôn Tổng thống Philippines khẳng định Philippines sẽ tiếp tục tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (Philippines gọi là quần đảo Kalayaan) trên biển Đông (Philippines gọi là biển Tây Philippines).

Lực lượng hải giám Trung Quốc có chín căn cứ ở Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh), Đường Cô (TP Thiên Tân), Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông), Thượng Hải, Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang), Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến), Quảng Châu (hai căn cứ, tỉnh Quảng Đông) và Bắc Hải (tỉnh Quảng Tây). Căn cứ hàng không giám sát biển được bố trí ở TP Đan Sơn, tỉnh Chiết Giang. Hình thành mạng lưới giám sát trên biển, trên không và từ đất liền.

HOÀNG HẠNH - ĐÌNH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm