Trung Quốc: Tàu 'tiếp tế dân sự ' lại đủ sức mang xe tăng ra Trường Sa (?!)

Buổi lễ ra mắt tàu "tiếp tế dân sự"  

Vào ngày 5-1, “Tam Sa 1” bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên từ Văn Xương trên quần đảo Hải Nam tới quần đảo Phú Lâm của Việt Nam (nhưng Trung Quốc tự nhận là trung tâm hành chính mới của cái gọi là “thành phố Tam Sa”). 

Tờ Want China Times của Đài Loan dẫn lại mô tả của báo Trung Quốc, khẳng định "Tam Sa 1" có trọng tải 7.800 tấn và có khả năng chở được 456 hành khách hoặc trọng tải 2.400 tấn.

Dù mang danh là tàu "tiếp tế dân sự", con tàu có bục để vận hành máy bay trực thăng và có thể vận chuyển hầu hết các thiết bị chiến đấu trên mặt đất. Tờ Thời báo Hoàn cầu còn khẳng định "Tam Sa 1" có thể chuyển cả xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Trung Quốc lớp Type 99 cùng các loại phương tiện tấn công đổ bộ khác. 

Con số chính xác lượng xe tăng mà “Tam Sa 1” có thể chở vẫn chưa xác định. Không những thế, thiếu tướng Hải quân Trung Quốc Li Jie còn mạnh miệng tuyên bố “Tam Sa 1” có khả năng vận chuyển một tiểu đoàn bộ binh và trang bị hạng nhẹ. 

Những hành động đơn phương của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và trên Biển Đông thời gian qua đang đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông và lợi ích trên biển của các quốc gia trên thế giới, đe dọa quan hệ hữu nghị, hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực.

Trước đó, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ngày 6-1 cũng tuyên bố “thành lập bốn Ban vũ trang nhân dân ở Tam Sa”. Nước này cũng tuyên bố tổ chức diễn tập ở đảo Phú Lâm, nơi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 

Về những thông tin này, ngày 8-1, ông Võ Công Chánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, nhấn mạnh: "Chúng tôi phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hoạt động phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như trên Biển Đông để duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa hai nước và trong khu vực".

Cùng ngày 8-1, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi về phản ứng của Bộ Ngoại giao trước thông tin giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang đi trên vùng biển quốc tế ở biển Đông, gần vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết: Hiện tại giàn khoan này đang di chuyển trên biển Đông và Việt Nam đang theo dõi sát tình hình. Nhiệm vụ của các lực lượng chức năng của Việt Nam là bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại biển Đông.

“Việt Nam sẽ kiên quyết đấu tranh đối với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại biển Đông” - bà Hằng nói.

Cũng tại cuộc họp báo này, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc mới đây Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập bốn ban vũ trang nhân dân ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng như việc nước này lần đầu tiên công bố hình ảnh về các hoạt động xây dựng, cải tạo ở bãi đá Chữ Thập, bà Hằng khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hoạt động đơn phương nhằm cố tình làm thay đổi hiện trạng ở hai quần đảo này không được sự đồng ý của Việt Nam là hoàn toàn sai trái và vô giá trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm