Trung Quốc triển khai trí tuệ nhân tạo chống khủng bố

Tờ The New York Times đưa tin ngày 14-4, cơ quan tư pháp TP Tam Môn Hiệp của Trung Quốc (TQ) đã nhận diện cư dân nửa triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong vòng một tháng nhờ vào hệ thống nhận diện khuôn mặt. Đây là một trong nhiều chương trình trí tuệ nhân tạo được TQ triển khai mạnh trong năm 2018 nhằm tối ưu hóa việc quản lý dân số hơn 1,3 tỉ người. Đặc biệt, nó là công cụ TQ dùng để kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động khủng bố trong nước.

Công cụ chống khủng bố

Tháng 3-2018, chính phủ TQ cho biết nước này đã bắt giữ gần 13.000 phần tử khủng bố tại khu vực Tân Cương từ năm 2014. Trước đó, Tư lệnh Tổng bộ Cảnh sát vũ trang TQ Vương Ninh tuyên bố sự thành công của chính quyền trong việc sử dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo ở tỉnh Tân Cương. “Chúng tôi sử dụng công nghệ, kể cả hệ thống thành phố thông minh để xác định và định vị các hoạt động khủng bố. Chúng tôi có cơ sở dữ liệu và hệ thống nhận diện khuôn mặt cho tất cả kẻ này” - trang Center for a new American Security dẫn lời ông Vương Ninh.

Sách trắng chống khủng bố của TQ cho biết Tân Cương đã phải đối mặt với một thách thức đặc biệt kể từ sau vụ tấn công 11-9 tại Mỹ. Sau vụ khủng bố thế kỷ, các phần tử cực đoan Đông Turkestan đẩy mạnh hoạt động ở TQ. Tài liệu này cũng cho biết chủ nghĩa cực đoan tôn giáo dưới ngọn cờ Hồi giáo đi ngược lại học thuyết Hồi giáo và không phải là Hồi giáo chân chính.

Tờ The New York Times mô tả rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt được tích hợp vào mạng lưới camera giám sát TQ, chỉ nhận diện riêng người Duy Ngô Nhĩ dựa trên ngoại hình và lưu giữ hồ sơ về các hoạt động của họ. Công nghệ này cũng đặc biệt theo dõi 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ trên cả nước, theo nguồn tin của tờ The New York Times.

Bên cạnh nhận diện khuôn mặt, Bắc Kinh cũng duy trì một mạng lưới giám sát rộng lớn, bao gồm việc truy ADN của dân số ở Tân Cương. Hơn nữa, cảnh sát nước này cũng đang tăng cường sử dụng công nghệ nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ ở các TP giàu có như Hàng Châu và Ôn Châu cũng như trên khắp tỉnh ven biển của Phúc Kiến.

SenseTime là một trong những công ty trí tuệ nhân tạo TQ đang phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Phát minh hữu ích trong cuộc sống

Không giống dấu vân tay, khuôn mặt con người có thể được nhận diện từ xa. Đây là mật mã duy nhất áp dụng cho mỗi người. Nó được tạo ra bằng cách đo khoảng cách giữa các điểm trên khuôn mặt như chiều rộng của mũi hoặc khoảng cách giữa hai mắt. Khoảng 80 điểm như thế sẽ tạo ra mật mã của bạn, theo tờ Forbes.

Cũng có rủi ro trong việc sử dụng công nghệ này. Nếu bạn có thể tạo ra một công nghệ để phân biệt con người theo dân tộc, sẽ có người khác sử dụng nó để đàn áp dân tộc đó.

CLARE GARVIE, cộng tác viên của Trung tâm Bảo mật và
Công nghệ tại Georgetown Law (Mỹ)
 

Bộ Công an TQ bắt đầu nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu nhận diện khuôn mặt rộng rãi nhất thế giới từ năm 2015. Tỉ lệ lỗi của công nghệ có thể thấp tới 0,8%; tám trong số 1.000 lần quét có thể bị xác định sai.

Công nghệ cao cấp này có thể được áp dụng trong nhiều mục đích của công tác bảo mật và nghiệp vụ cảnh sát. Từ việc xác định những vi phạm luật giao thông đến nghi phạm giết người hay truy tìm người già và trẻ em đi lạc, công nghệ này đều được sử dụng triệt để.

Sân bay quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải (TQ) hiện nay đang sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt cho hệ thống hải quan của họ. Chỉ trong 12 giây, hành khách có thể quét thẻ căn cước và sử dụng các máy kiểm tra an ninh được trang bị công nghệ này để hoàn tất thủ tục hải quan. Vì thế, khoảng 2.000 hành khách có thể thực hiện thủ tục trong vòng một giờ.

Bên cạnh đó, sân bay mới của Bắc Kinh với sức chứa 100 triệu hành khách mỗi năm sẽ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để khớp hành khách với đồ đạc của họ cũng như để kiểm tra an ninh. Vài khách sạn ở TQ cũng đã áp dụng công nghệ này để giúp khách hàng nhận phòng nhanh chóng, bỏ qua việc xếp hàng chờ lấy chìa khóa phòng.

Theo trang Robotics Business Review, bên cạnh TQ có bốn quốc gia khác đang dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE): Cụ thể, UAE tận dụng công nghệ để đảm bảo an toàn công cộng. Ví dụ, nước này thử nghiệm công nghệ nhân tạo để kiểm soát biên giới. Tại sân bay Dubai, một bể cá ảo được gắn 80 camera nhận diện khuôn mặt để quét mọi người đi qua bể cá. Sau đó hệ thống sẽ cho phép họ nhập cảnh hoặc sẽ cảnh báo nhân viên an ninh. Trong dự án Oyoon, cảnh sát Dubai sẽ triển khai hàng chục ngàn camera nhận diện khuôn mặt để xác định tội phạm trong công tác chuẩn bị hội chợ triển lãm năm 2020. Những camera này sẽ chụp và phân tích hình ảnh, thậm chí có thể gửi những lời cảnh báo đến những người có hành vi phạm tội để ngăn chặn điều đó.

Nhật Bản: Trong Thế vận hội Tokyo 2020, Nhật Bản sẽ triển khai công nghệ để cho phép vận động viên và nhân viên truyền thông tiếp cận các địa điểm sự kiện. Trong tương lai gần, các nhân viên văn phòng ngủ gật cũng sẽ bị thổi khí lạnh nhờ vào camera giám sát và nhận diện khuôn mặt. Nước này cũng sử dụng triệt để công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội như nạn cờ bạc. Các sòng bạc Nhật Bản đang cân nhắc sử dụng công nghệ để xác định tần suất ghé sòng bạc của mỗi người.

Singapore: “Con rồng châu Á” đang áp dụng công nghệ vào việc chăm sóc người cao tuổi và công nghiệp du lịch. Cảnh sát Singapore đang xem xét sử dụng công nghệ để tìm người già bị lạc trong TP. Trong khi đó, sân bay Singapore Changi đang thử nghiệm camera nhận diện khuôn mặt để phát hiện những du khách đến trễ hoặc bị lạc. Các thủ tục trong sân bay cũng sẽ được tối giản nhờ vào công nghệ này.

Mỹ: Tính đến năm 2016, dữ liệu của gần 50% tổng số người lớn ở Mỹ đã được lưu ở các đồn cảnh sát. Công nghệ này cũng được triển khai ở sân bay và văn phòng Mỹ. 

____________________________

(*) Hà Minh Thu là nhà báo đang làm việc tại đài truyền hình địa phương ở nước Cộng hòa Moldova, châu Âu.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm