Trung Quốc xây đường băng với ý đồ gì?

Ngày 15-9 (giờ địa phương), Nhà Trắng thông báo Tổng thống Obama sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 25-9 tại Nhà Trắng. Chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình đã được chuẩn bị từ lâu nhưng nay thời gian cụ thể mới được Nhà Trắng thông báo.

Bắc Kinh không cần dè dặt

Nhà Trắng cho biết chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm củng cố quan hệ hợp tác hai nước và cũng là cơ hội để hai bên thảo luận các điểm bất đồng trên tinh thần xây dựng.

AFP ghi nhận các vấn đề bất đồng Mỹ-Trung sẽ được nêu trong chuyến thăm như tin tặc Trung Quốc tấn công Mỹ, Trung Quốc tăng cường quân sự hóa ở biển Đông, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ.

Chuyên gia Bonnie Glaser, cố vấn chính của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS), nhận định trên trang web Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á: Hoạt động tiếp tục cải tạo đất ở biển Đông của Trung Quốc có thể làm phức tạp thêm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Mỹ đã từng nêu ra với Trung Quốc chính sách “ba không”: Không cải tạo đất, không xây dựng và không quân sự hóa ở biển Đông.

Báo Bloomberg ngày 16-9 nhắc lại hồi tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thông báo tại hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN rằng Trung Quốc đã hoàn tất cải tạo đất trên biển Đông và bây giờ tập trung xây dựng các cơ sở hậu cần dân sự để tàu bè các nước có thể dùng chung.

Thế nhưng mới đây, ngày 14-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại tuyên bố Trung Quốc xây dựng các cơ sở phòng thủ quân sự trên đảo nhân tạo.

 
Ảnh vệ tinh đầu tháng 9 về hoạt động xây dựng trên đá Chữ Thập. Ảnh: CSIS

Chuyên gia Bonnie Glaser nhận định: Trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh dường như muốn gửi thông điệp cho Tổng thống Obama rằng Trung Quốc quyết bảo vệ lợi ích ở biển Đông bất chấp căng thẳng với Mỹ gia tăng.

Bà lưu ý: “Thái độ khăng khăng nạo vét, bồi đắp và quân sự hóa trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc đã khẳng định Bắc Kinh không cần dè dặt, thể hiện thái độ kiềm chế và tìm con đường ngoại giao để giảm căng thẳng với các nước láng giềng”.

Rõ ràng vì mục đích quân sự

Báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 16-9 đã dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc thừa nhận Bắc Kinh cần xây dựng thêm đường băng ở biển Đông nhằm đạt mục tiêu chiến lược dài hạn là trở thành quốc gia hải quân đích thực.

Một viên chức hàng hải Trung Quốc (giấu tên) khẳng định các đường băng trên biển Đông sẽ giúp hải quân Trung Quốc đối phó với các pháo đài của Mỹ và các đồng minh (như Philippines và Úc) xây dựng trên biển Đông.

Viên chức này nói nếu xảy ra chiến tranh, quân đội Trung Quốc phải kiểm soát vùng trời ở quần đảo Trường Sa để chiếm ưu thế trên biển Đông, cửa ngõ duy nhất cho hải quân Trung Quốc tiến vào Tây Thái Bình Dương.

Viên chức này nhận xét các đường băng đang xây dựng sẽ giữ vai trò yểm trợ cho căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Tam Á (đảo Hải Nam).

Chuyên gia hải quân Nghê Lạc Hùng nhận xét ba đường băng mới xây dựng sẽ giúp quân đội Trung Quốc gia tăng sức mạnh ở biển Đông và chính thức bước vào vùng biển châu Á-Thái Bình Dương.

Chuyên gia James Hardy, chủ biên tạp chí quốc phòng IHS Jane, còn ghi nhận đường băng trên đá Vành Khăn sẽ gây áp lực với Philippines vì chỉ cách hòn đảo nhỏ do Philippines kiểm soát chỉ khoảng 20 hải lý.

Ông cho rằng máy bay phản lực cánh quạt làm nhiệm vụ tuần tra có thể sử dụng đường băng này nhưng đường băng cũng có thể được mở rộng cho hoạt động quân sự toàn diện khi cần.

Ông lưu ý chức năng quan trọng nhất của các cơ sở trên đảo nhân tạo là đặt máy nghe lén và bố trí radar cảnh báo sớm.

Bốn sân bay ở biển Đông

Trang web Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á đã công bố quan sát của chuyên gia Gregory Poling, giám đốc trang web này, về hình ảnh vệ tinh mới công bố. Ông ghi nhận trong một năm qua, từ một sân bay trên đảo Phú Lâm ở biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng thêm ba sân bay nữa.

Đá Chữ Thập: Hồi đầu năm, Trung Quốc đã xây dựng thêm một đường băng. Ảnh vệ tinh chụp vào tháng 9 cho thấy công trình xây dựng đã hoàn tất.

Đá Subi: Ảnh vệ tinh chụp tháng 6 cho thấy Trung Quốc chuẩn bị xây thêm một đường băng. Sau đó, ảnh vệ tinh chụp ngày 3-9 cho thấy công trình này đang tiếp tục được thi công.

Đá Vành Khăn: Ảnh vệ tinh chụp ngày 8-9 cung cấp diễn biến ngoài dự kiến. Trung Quốc lập bờ kè san hô trong khu vực hình chữ nhật có cạnh dài 3.000 m để chuẩn bị xây dựng đường băng. Trên phần còn lại Trung Quốc tiếp tục bồi đắp xây đảo dựa theo địa hình tự nhiên. Một nhà máy xi măng đã được xây dựng.

Chuyên gia Gregory Poling phân tích đá Chữ Thập ở phía tây quần đảo Trường Sa, đá Subi ở cực bắc quần đảo Trường Sa và đá Vành Khăn sẽ tạo thành một tam giác mà nếu có thêm các sân bay, Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng kiểm soát vùng trời và vùng biển trên biển Đông. Tình hình này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

______________________________________

94 chủ doanh nghiệp lớn của Mỹ đã đồng ký tên vào thư đề nghị Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình xây dựng mối quan hệ kinh tế bền vững.

 _________________________________________

Trên đá Subi, các tàu cuốc bơm cát sỏi vào các khu vực mới xây đê chắn bao quanh và mở rộng kênh dẫn vào vũng biển có san hô bao bọc. Còn trên đá Vành Khăn, tàu cuốc đang mở rộng kênh để thông luồng cho tàu bè ra vào thuận tiện hơn. Nơi này có thể được sử dụng làm căn cứ hải quân.

Chuyên gia BONNIE GLASER

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm