Truyền thông Mỹ nói gì vụ ông Kim tiếp phái đoàn Hàn?

Phái đoàn cấp cao Hàn Quốc đến Triều Tiên chiều 5-3 và được Lãnh đạo nước này Kim Jong-un tiếp đón trọng thị. Bên cạnh cải thiện quan hệ liên Triều, một mục đích quan trọng khác của chuyến thăm là tìm kiếm cơ hội xúc tiến đối thoại giữa Triều Tiên với Mỹ.

Hiện cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc chưa nói gì về phản ứng của Lãnh đạo Kim Jong-un với mong muốn này của phía Hàn Quốc. Truyền thông Mỹ nhận định thế nào về chuyện ông Kim Jong-un đón tiếp trọng thị phái đoàn Hàn Quốc cũng như về khả năng diễn ra đối thoại Mỹ-Triều Tiên? Hầu hết các cơ quan truyền thông lớn của Mỹ đều bi quan khả năng này không lớn.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp đón thân mật các đặc phái viên Hàn Quốc tại trụ sở đảng Lao động Triều Tiên chiều 5-3. Ảnh KCNA

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp đón thân mật các đặc phái viên Hàn Quốc tại trụ sở đảng Lao động Triều Tiên chiều 5-3. Ảnh KCNA

Từ sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới Hwasong-15 ngày 29-11-2017 Triều Tiên chưa thực hiện thêm vụ thử tên lửa nào. Thực tế này dẫn tới nhiều đồn đoán khả năng không chỉ đối thoại liên Triều mà cả đối thoại Mỹ-Triều Tiên có khả năng sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, Reuters không đánh giá cao khả năng này dù Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3-3 không loại trừ khả năng đối thoại trực tiếp với ông Kim Jong-un. Reuters nhắc lại thực tế Mỹ và Triều Tiên đã nhiều tháng dài tranh cãi dữ dội vì các chương trình hạt nhân-tên lửa Triều Tiên. Tổng thống Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhiều lần có phát ngôn chỉ trích nhau và đe dọa chiến tranh.

Cả Triều Tiên và Mỹ đều để mở khả năng đối thoại nhưng quan điểm của Mỹ là đối thoại phải nhằm mục tiêu Triều Tiên giải trừ hạt nhân, điều mà Triều Tiên luôn bác bỏ. Cả Triều Tiên và Mỹ vẫn nói ưu tiên giải pháp ngoại giao nhưng thực tế Triều Tiên vẫn đang trong quá trình phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới Mỹ.

Trang web 38 North ngày 5-3 cho biết các hình ảnh vệ tinh thu thập tuần trước cho thấy lò phản ứng hạt nhân chính của Triều Tiên có thể đang hoạt động, sản xuất plutonium phục vụ cho chương trình vũ khí hạt nhân.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ hai từ phải sang) bắt tay với Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong, trưởng phái đoàn cấp cao Hàn Quốc trong cuộc gặp tại trụ sở đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng chiều 5-3. Ảnh: YONHAP

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ hai từ phải sang) bắt tay với Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong, trưởng phái đoàn cấp cao Hàn Quốc trong cuộc gặp tại trụ sở đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng chiều 5-3. Ảnh: YONHAP

Trong khi đó, theo New York Times, Mỹ và Triều Tiên vẫn còn khoảng cách quá xa để có thể bắt đầu đối thoại. Dù Hàn Quốc đang nỗ lực hết sức để thu nhỏ nhưng Mỹ vẫn rất bi quan về hiệu quả, khi kèm theo đó không có tiến trình nào của nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt các chương trình vũ khí Triều Tiên.

Chính phủ Trump từng nói sẽ không lặp lại sai lầm của các chính phủ Mỹ tiền nhiệm, vốn đã sử dụng song song hai biện pháp đối thoại và trừng phạt nhưng không thể ngăn chặn Triều Tiên. Chính phủ Trump xác định sẽ chỉ vào cuộc thương lượng với Triều Tiên một khi nước này đồng ý sẽ giải trừ hạt nhân.

Các quan chức Mỹ lo ngại Triều Tiên xử sự thế vì muốn giảm nhẹ trừng phạt hơn là nghiêm túc tìm kiếm đối thoại, khi nhiều chuyên gia nhận định Triều Tiên thời điểm này đang chịu tổn thương sâu sắc nhất trước nay vì các lệnh trừng phạt quốc tế. Mà dù đối thoại có bắt đầu thì Mỹ sẽ không chấm dứt chiến dịch tối đa hóa áp lực và trừng phạt đến chừng nào Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa, bên phải) tiếp phái đoàn cấp cao Hàn tại trụ sở đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng chiều 5-3. Bên cạnh ông là em gái Kim Yo-jong. Ảnh: KCNA

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa, bên phải) tiếp phái đoàn cấp cao Hàn tại trụ sở đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng chiều 5-3. Bên cạnh ông là em gái Kim Yo-jong. Ảnh: KCNA

Về phần mình, Triều Tiên luôn bác bỏ điều kiện đàm phán, rằng Mỹ phải xem Triều Tiên như một quốc gia hạt nhân. Triều Tiên cũng khăng khăng bất kỳ đàm phán nào với Mỹ không chỉ bàn về chương trình hạt nhân Triều Tiên mà cũng phải nói về các chính sách thù địch của Mỹ, trong đó có các cuộc tập trận với Hàn Quốc.

Lãnh đạo Kim Jong-un chưa từng gặp bất kỳ lãnh đạo nước nào - kể cả hai đồng minh truyền thông Nga và Trung Quốc - kể từ khi lên nắm quyền năm 2011. Washington Post thì cho rằng sở dĩ lần này ông Kim làm vậy là muốn nắm lấy nhành ô liu mà Hàn Quốc chìa cho mình trong bối cảnh áp lực trừng phạt ngày càng tăng và Tổng thống Trump ngày càng cứng rắn.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ tư từ phải sang, hàng đầu) và phu nhân Ri Sol-ju (thứ 5 từ trái sang, hàng đầu trong bữa tiệc tối với các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại trụ sở đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng tối 5-3. Ảnh: YONHAP

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ tư từ phải sang, hàng đầu) và phu nhân Ri Sol-ju (thứ 5 từ trái sang, hàng đầu trong bữa tiệc tối với các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại trụ sở đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng tối 5-3. Ảnh: YONHAP

Có thể nói từ khi lên làm tổng thống Hàn Quốc tháng 5-2017, Tổng thống Moon Jae-in từng nhiều lần chìa cành ô liu với ông Kim Jong-un, tuy nhiên cũng bị từ chối nhiều lần. Ông Moon tích cực tìm cách gắn kết với Triều Tiên, cả về ngoại giao và kinh tế, trong bối cảnh Mỹ ngày càng nói mạnh hơn về việc dùng phương án quân sự với Triều Tiên. Ông Moon từng lặp đi lặp lại rằng Mỹ không được đánh phủ đầu Triều Tiên khi không có sự đồng ý của Hàn Quốc, nơi một nửa dân số sống dưới tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.

Tại Triều Tiên, phái đoàn Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ đưa chuyện giải trừ hạt nhân ra bàn. Tuy nhiên theo Washington Post, không chắc Triều Tiên sẵn sàng bàn chuyện này khi từng nói vũ khí hạt nhân của mình chỉ nhắm vào Mỹ và không phải là vấn đề của quan hệ liên Triều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm