Quốc vương Thái Lan và những tướng quân quỳ phục

Hai vị tướng quỳ phục

Hai vị tướng của hai phe đối đầu nhau trong cuộc khủng hoảng 1992 phải quỳ phục nghe quốc vương Bhumibol răn dạy. Ảnh: AFP

Một trong hai người đàn ông quỳ phục trước mặt quốc vương Thái Lan chính là tướng Suchinda Kraprayoon. Ông từng tiến hành đảo chính bất thành vào những năm 1980, để rồi trong năm 1992 đã được chỉ định làm tân thủ tướng Thái Lan. Người quỳ phục còn lại là tướng Chamlong Srimuang. Ông đã dẫn đầu một phong trào ủng hộ dân chủ chống lại chính phủ quân sự của Kraprayoon.

Nhiều cuộc đụng độ giữa người biểu tình và quân đội đã làm dân thường thiệt mạng. Tháng 5 đẫm máu năm đó, người dân Thái Lan gọi là “Tháng Năm Đen”. Người ta không nhìn thấy bất kỳ hy vọng nào để hàn gắn những chia rẽ, khi mà cả hai phía đều nhất quyết không chịu lùi bước. Cuối cùng, quốc vương Bhumibol Adulyadej đã triệu hồi lãnh đạo của hai phía đến hoàng cung và răn dạy:

“Đất nước này thuộc về mọi người, không phải một hay hai người đặc biệt. Tất cả những ai đối đầu với nhau đều là những người thua cuộc. Và người thua cuộc nặng nề nhất sẽ chính là đất nước. Làm sao mà các ngươi có thể tự xem mình là kẻ thắng cuộc khi chỉ còn tro tàn và đổ nát dưới chân các ngươi?”.

Cuộc khủng hoảng chính trị sau đó dần nguội đi khi hai bên bắt đầu chịu kiềm chế và tìm đến tiếng nói chung.

Quyền lực của lòng bác ái

Tướng Prayuth Chan-o-cha cũng quỳ phục dưới chân quốc vương. Chính phủ của ông Prayuth đứng vững phần nhiều vì người dân tôn kính quốc vương.

Hai người tướng lĩnh, nắm trong tay sức mạnh to lớn, vẫn phải quỳ phục dưới chân của quốc vương Bhumibol, thừa nhận vị trí quyền lực của nhà vua. Giây phút đó đã chính thức hoàn thiện vị trí của quốc vương Bhumibol như một nhân tố hòa giải tối thượng cho một Thái Lan thường xuyên chia rẽ.

Đó không phải là lần duy nhất quốc vương Bhumibol can dự vào chính trị để cứu nguy cho đất nước, dù rằng về Hiến pháp quốc vương chỉ mang tính biểu trưng. Năm 1973, hoàng cung đã mở cửa cho những người biểu tình đòi dân chủ tị nạn, sau khi nhiều người bị quân đội xả súng. Năm 1981, quốc vương quyết định kêu gọi chống lại các tướng lĩnh đảo chính tại Bangkok.

Quyền lực của quốc vương Thái Lan được xây dựng bởi tình yêu và sự tôn thờ như một tín ngưỡng của người dân Thái Lan. Họ xem ông như một người cha, một vị thánh sống. Quyền lực đó được cộng thêm sau hàng thập kỷ ông thể hiện một nhân cách đạo đức và lối sống đáng ngưỡng mộ. Người dân xem ông là hình mẫu của nhân cách sống.

Ngay cả khi Tướng Prayuth Chan-ocha tiến hành binh biến và nắm được chính phủ trong tay, đích thân ông cũng phải đến quỳ phục trước quốc vương và xin sự ủng hộ của Ngài. Chính phủ của Tướng Prayuth có thể đứng vững đến hiện nay phần nhiều vì người dân tin tưởng vào ý nguyện của quốc vương Bhumibol.

Hình ảnh những vị tướng và những chính trị gia chia rẽ Thái Lan phải phủ phục dưới chân vị quốc vương đáng kính sẽ không bao giờ phai nhòa trong ký ức của người dân Thái, tờ Bangkok Post bình luận. Người dân Thái Lan đã từng có một niềm tin vững chắc rằng nếu như có điều gì đó đẩy đất nước đến bờ vực của hỗn loạn và tang thương, sẽ luôn có quốc vương của họ mang trở lại hòa bình và trật tự cho người Thái.

Con người đáng kính đó, giờ đây đã không còn nữa. “Hôm nay là ngày đau buồn nhất của người Thái. Ngài là vị quốc vương được yêu kính bởi tất cả mọi người” - Tướng Prayuth Chan-ocha phát biểu trước truyền hình quốc gia đêm 13-10 vừa qua. “Thời đại trị vì của quốc vương nay đã kết thúc và không nơi đâu chúng ta có thể tìm thấy được một tấm lòng bác ái như Ngài”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm