Tân tổng thống Hàn Quốc có cha gốc Triều Tiên

Theo Korea Times, trong những ngày kề cận bầu cử Hàn Quốc, phương tiện truyền thông và phương tiện truyền thông xã hội đồng loạt đưa tin và kháo nhau về ứng viên sáng giá cho chiếc ghế tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng lý lịch của gia đình ông. Câu chuyện của tân tổng thống Hàn Quốc sẽ là một điểm sáng trong bức tranh ảm đạm về những người tị nạn chạy trốn khỏi đất nước chiến sự.

Gần 65 năm về trước, vào ngày 24-1-1953, một cặp vợ chồng trẻ đến từ Hamhung, Triều Tiên, đã vui mừng khôn xiết đón đứa con trai đầu tiên của họ. Cũng giống như hàng ngàn người chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh liên Triều, cặp vợ chồng trẻ đã đến đảo Geoje của Hàn Quốc. Dù sống trong cảnh khó khăn túng thiếu bủa vây, họ vẫn rất biết ơn ông trời vì đã ban cho họ một đứa con kháu khỉnh lẫn cả sự tự do. Họ đặt tên cho đứa con trai là Moon Jae-in.

Ảnh chụp ngày 19-12-1950 cho thấy dòng người tị nạn leo lên những chiếc thuyền đánh cá và một thuyền quân sự để chạy trốn khỏi Hungnam, Triều Tiên và tiến tới Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times

Trước đó ba năm, vào cuối tháng 12-1950, cặp vợ chồng và cô con gái hai tuổi của họ đã hòa vào hàng vạn người Triều Tiên tại TP cảng Hungnam và lên tàu đi tới phía Nam bán đảo Triều Tiên. Khi ra đi để trốn quân đội Trung Quốc đang tiến quân, những người tị nạn này đều giữ trong mình lời thề với gia đình, với quê hương sẽ trở về ngay sau khi Trung Quốc bị đánh bại. Tuy nhiên, điều đó đã không bao giờ xảy ra và cặp vợ chồng trẻ kia cũng không có cơ hội trở về Triều Tiên lần nào nữa. Không chỉ họ, rất nhiều người tị nạn trong cuộc chiến liên Triều cũng chưa bao giờ được nhìn lại hay nghe thấy người thân mình thêm lần nào nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn với 30 người tị nạn đến từ Hungnam trước kia, cháu trai của cố Đại tá Mỹ Edward H. Forney - quan chức kiểm soát sơ tán của trung tâm sơ tán Hungnam vào tháng 12-1950 đã kể lại câu chuyện về cuộc tị nạn trên.

Theo ông, giống như cha mẹ và chị gái của ông Moon Jae-in, những người đàn ông, phụ nữ và trẻ con, những ai chạy trốn tới Hàn Quốc đều cùng chung cảnh ngộ phơi mình giữa thời tiết lạnh cắt da cắt thịt trong mùa đông tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ từ ngày này qua ngày khác trước khi được Hải quân Mỹ và các đội thuyền buôn giải cứu.

Người cháu của cố Đại tá Edward H. Forney kể rằng ông nội ông là sĩ quan kiểm soát sơ tán của trung tâm sơ tán Hungnam. Người cháu này đã có gần hai năm sống ở Seoul, Hàn Quốc và đã nghiên cứu và viết về người ông quá cố của mình.

Theo lời kể của tác giả, gia đình ông Moon Jae-in sau khi được cứu đã định cư ở Hàn Quốc. Lúc đó, còn là một cậu bé, Moon đã giúp mẹ bán than để kiếm thêm tiền lo cho gia đình.

Ông Moon Jae-in đắc cử tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Đã có gần 100.000 người dân Triều Tiên được cứu từ Hungnam trong suốt chiến dịch kéo dài 14 ngày. Ước tính hơn 1 triệu hậu duệ của họ hiện sống ở Hàn Quốc, Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới. Tổng thống đắc cử Moon Jae-in là một trong số đó. Năm năm sau nhất định sẽ mang đến những thách thức mới và không lường trước cho người dân Hàn Quốc. Và khi vị tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức, người dân và chính phủ trên khắp thế giới dù có đồng tình hay không đồng tình với quan điểm chính sách của ông cũng sẽ chúc mừng cho ông.

Nhưng cũng sẽ có nhiều người chỉ trích ông sẽ nhanh chóng xoáy vào lý lịch của ông, rằng ông lớn lên trong trại tị nạn ở Geoje nhưng giờ đây lại bước chân dinh tổng thống Cheong Wa Dae (Nhà Xanh). Cột mốc quan trọng nhất trong cuộc đời ông Moon mới chỉ bắt đầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm