Tuồn tài liệu mật cho WikiLeaks, đến tay Bin Laden

Mở đầu phiên tòa quân sự diễn ra ở căn cứ Fort Meade, bang Maryland, công tố viên Joe Morrow cho biết thêm ông sẽ trưng ra bằng chứng cho thấy trùm khủng bố Osama bin Laden đã tiếp cận một số thông tin mật trên WikiLeaks và đưa chúng vào sử dụng, qua đó đã tiếp tay cho kẻ thù của nước Mỹ.  
Trong khi đó, luật sư biện hộ cho rằng vào thời điểm Manning chia sẻ thông tin với WikiLeaks, anh ta vẫn còn “trẻ, ngây thơ” và đến Iraq làm nhiệm vụ với ý định tốt.  Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, anh vỡ mộng khi chứng kiến cảnh binh sĩ Mỹ ăn mừng sau một vụ tấn công mà phía họ không ai bị thương, chỉ có một người Iraq thiệt mạng.

Tuồn tài liệu mật cho WikiLeaks, đến tay Bin Laden ảnh 1

Binh sĩ Bradley Manning trong lần ra tòa hôm 21-5. Ảnh: AP
 
Sau vụ việc đó, Manning bắt đầu thu thập những thông tin mật với suy nghĩ rằng chúng sẽ làm cho thế giới trở nên “an toàn hơn” nếu được công khai.
Đây được xem là vụ rò rỉ tài liệu mật của chính phủ Mỹ lớn nhất từ trước đến nay. Phía công tố cho rằng hành động của Manning đã làm tổn hại lợi ích quốc gia trong khi những người ủng hộ xem binh sĩ này là một người hùng vì giúp phơi bày những mặt trái của cuộc chiến mà Mỹ phát động ở Afghanistan và Iraq.
Tại một phiên tòa vào tháng 2, anh ta cho biết hành động của mình nhằm giúp khơi dậy những cuộc tranh luận công khai về vai trò của quân đội và chính sách đối ngoại của Mỹ.
Bị bắt ở Iraq hồi tháng 5-2010, binh sĩ Manning  không phủ nhận vai trò của mình trong vụ rò rỉ và đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết tội tiếp tay cho kẻ thù. Vào đầu năm nay, Manning đã thừa nhận 10 trong số 22 cáo buộc, nhưng không thừa nhận cáo buộc nghiêm trọng nhất nói trên. Phiên tòa này dự kiến kéo dài vài tháng.

Tuồn tài liệu mật cho WikiLeaks, đến tay Bin Laden ảnh 2

Người biểu tình ủng hộ binh sĩ Bradley Manning bên ngoài căn cứ Fort Meade hôm 1-6. Ảnh: AP

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino cho biết ông hy vọng sẽ gặp người đồng cấp Anh William Hague vào ngày 17-6 để bàn về một giải pháp khả dĩ cho vụ việc của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết đang xem xét yêu cầu trên. Vào tuần rồi, ông Patino đã cáo buộc Chính phủ Anh xâm phạm nhân quyền của ông Assange khi từ chối cho ông đến Ecuador tị nạn. 
 
Ông Assange, 41 tuổi, đã ẩn náu tại Đại sứ quán Ecuador ở London gần 1 năm qua để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển, nơi nhà chức trách muốn thẩm vấn ông về những cáo buộc tấn công tình dụng và cưỡng hiếp. Phía Ecuador lập luận rằng việc dẫn độ ông chủ WikiLeaks sang Thụy Điển là âm mưu đưa ông ta đến Mỹ để đối mặt những cáo buộc về vụ rò rỉ thông tin mật nói trên.
Theo P.Võ (NLĐO / BBC, Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm