Tuyên bố cải cách 'lịch sử' giải thưởng Oscar

Thông báo này được đưa trong bối cảnh mùa giải Oscar năm nay bị “ném đá” dữ dội bởi số đề cử ít ỏi dành cho các diễn viên hay nhà làm phim da màu.

Cải cách lịch sử 

Nam diễn viên Will Smith, đạo diễn Spike Lee và nhiều nghệ sĩ khác cho biết sẽ tẩy chay lễ trao giải Oscar vào ngày 28-2 sắp tới.
Vào thứ Năm (21-1), điều lệ chỉnh sửa đối với thành viên Hội đồng thẩm định đã được Hội đồng quản trị nhất trí thông qua. Đây là một trong những thay đổi lớn nhất trong lịch sử 88 năm của Viện Hàn lâm Nghệ thuật điện ảnh. Tuy nhiên, thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến bầu cử cho giải Oscar năm nay.
Thành phần hội đồng bất cân đối khi phần lớn thành viên là đàn ông lớn tuổi da trắng đã bị chỉ trích là rào cản công bằng chủng tộc trong giải thưởng danh giá nhất của Hollywood.
Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình chỉ ra một nguyên nhân khác là do ngành công nghiệp điện ảnh không dành nhiều cơ hội cho người da màu và phụ nữ, phần lớn bị đóng khung trong một số vai diễn nhất định.

Cheryl Boone Isaacs, người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ vị trí Chủ tịch Viện Hàn lâm, đã ca ngợi động thái hôm thứ Sáu là “minh chứng cho vai trò tiên phong của Viện Hàn lâm nghệ thuật trong nền công nghiệp điện ảnh”.

Tượng vàng Oscar  

Dù vậy, Ava DuVernay, nhà làm phim da màu đầu tiên được nhận đề cử Quả cầu vàng cho bộ phim về nhân quyền "Selma" vào năm ngoái, cho biết đây chỉ là động thái xoa dịu công chúng trước sức ép dư luận.

"Họ vờ không nghe, không thấy hàng thập kỷ"
"Các nghệ sĩ đã đấu tranh hàng thập kỷ cho sự thay đổi của Viện. Chỉ là họ cố tình không nghe, không biết" - Ava viết trên Twitter.
Warner Bros, một trong những hãng phim lớn của Hollywood, vài giờ sau thông báo của của giải Oscar, gọi đó là "một bước tiến lớn hướng tới việc mở rộng và đa dạng hóa của Viện Hàn lâm nghệ thuật điện ảnh nói riêng và toàn ngành công nghiệp điện ảnh nói chung”.
Nhưng Kevin Tsujihara, Chủ tịch của Time Warner Inc (TWX.N) studio, nói thêm "sẽ có rất nhiều việc phải làm để biến tham vọng này thành sự thật".
Là một phần nỗ lực thúc đẩy đa dạng hóa giới tính và chủng tộc các thành viên, Viện Hàn lâm nghệ thuật điện ảnh cho biết họ sẽ bổ sung thêm ba ghế mới dành riêng cho phụ nữ và người da màu vào hội đồng quản trị.
Thêm vào đó, Viện cũng thực hiện “một chiến dịch tìm kiếm và chọn lọc các thành viên từ nhiều quốc gia, sắc tộc trên toàn cầu nhằm đa dạng hóa thành phần hội đồng. Mục tiêu của Hội đồng quản trị là tăng gấp đôi số lượng phụ nữ và các thành viên từ nhiều quốc gia khác nhau của học viện vào năm 2020".
Theo quy định mới hiện hành, quyền bình chọn của mỗi thành viên mới sẽ mất hiệu lực sau 10 năm, trừ trường hợp thành viên có đóng góp tích cực trong 10 năm đó. Quyền bình chọn suốt đời sẽ chỉ được trao sau khi ba nhiệm kỳ 10 năm hoặc nếu thành viên giành được hoặc được đề cử cho giải Oscar.
Tương tự, các thành viên hiện tại của hội đồng nếu không hoạt động cho nghệ thuật trong vòng 10 năm sẽ phải có được ít nhất một đề cử cho giải Oscar mới có quyền bình chọn. Quyền lợi của các thành viên này trong Viện vẫn sẽ được giữ nguyên, trừ quyền được bình chọn.
"Vấn đề lớn của viện là có rất nhiều thành viên lão làng trong hàng ngũ của họ" -  Tom O'Neil, biên tập viên của trang web Gold Derby nói. "Vì vậy đây là một tin chấn động, một bước đột phá rất đáng hoan nghênh".
Trước mắt vẫn chưa ai biết rõ viện sẽ phải tăng bao nhiêu số lượng thành viên là nữ và người da màu hay tước bỏ quyền bình chọn của bao nhiêu thành viên gạo cội để thực hiện được mục tiêu của mình.
Danh sách khoảng 6.000 thành viên Viện Hàn lâm chưa bao giờ được tiết lộ công khai, mặc dù theo phát hiện của Los Angeles Times vào năm 2012, có gần 94% thành viên là người da trắng và 77% nam giới.
Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ đã phải đối mặt phản đối gay gắt từ dư luận khi tất cả đề cử cho bốn hạng mục diễn xuất của năm nay lại một lần nữa thiếu vắng tên tuổi các diễn viên da màu hay sự thờ ơ của Viện với bộ phim hip-hop "Straight Outta Compton" - vốn được đánh giá cao về chất lượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm