Ukraine cùng lúc tiếp cận máy bay MH17 từ hai hướng?

Nhắc lại thông tin từ ban đầu trong ngày 17-7, vệ tinh Nga xác định có hai máy bay tiêm kích của Ukraine áp sát máy bay dân sự mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines (MAS). Lần này, trung tướng Andrei Kartapolov, Bộ quốc phòng Nga, xác định chỉ có một chiếc và đó là loại chiến đấu cơ Su-25.

Số liệu radar cho thấy khoảng cách giữa hai chiếc máy bay lúc đó chỉ khoảng từ 3 - 5km. Lúc này, chiếc Boeing của MAS đang bay lệch về hướng Bắc so với đường bay của nó khoảng 14 km. Su-25 xuất hiện khoảng 5 phút rồi biến mất khỏi màn hình. Chỉ ít phút sau, chiếc Boeing phát nổ.

 Bộ Quốc phòng Nga họp công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy có một máy bay tiêm kích Ukraine áp sát chiếc Boeing của MAS

Theo tướng Kartapolov, Su-25 là máy bay chiến đấu, có trang bị tên lửa không đối không R-60, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách tối đa 12 km. “Chiếc Su-25 đã lấy độ cao, bay ngang tầm với máy bay MAS lúc đó là 10 ngàn m. Lý do gì một máy bay quân sự kèm sát máy bay dân sự như vậy? Ukraine cần đưa ra câu trả lời”, tướng Kartapolov nói.

Tuy nhiên, thông tin này chưa được đơn vị nào khác, kể cả Malaysia, xác nhận. Cần nhớ rằng trước khi gặp nạn, chuyến bay MH 17 không phát ra bất kì thông báo, tín hiệu bất thường hay lời kêu cứu nào. Thực tế điều này rất khó xảy ra, bởi phi công hẳn nhiên phải phát hiện vị khách không mời mà đến này. Su-25 không phải là một máy bay tàng hình.

 Chiếc Boeing 777 chỉ còn là một đống đổ nát

Chưa dừng lại ở bằng chứng trên không, tướng Kartapolov cho biết Bộ Quốc phòng Nga còn phát hiện một hoạt động bất thường từ các trạm radar, thường được dùng để điều hành hệ thống tên lửa vào ngày xảy ra thảm kịch. "Ngày 17-7, tần suất hoạt động của các trạm radar Ukraine tăng đến mức tối đa là 9 radar hoạt động cùng lúc. Sau đó, tất cả trở lại như bình thường từ 2-3 radar". 

Phối hợp với thông tin này, Nga tung ra hình ảnh ngày 17-7 Ukraine bố trí các đơn vị tên lửa Buk ở làng Zaroshchenskoye, cách Donetsk khoảng 50 km về phía Đông và cách Shakhtyorsk khoảng 8km về phía Nam. 

Thực tế, quân đội Ukraine chưa từng phủ nhận việc họ sở hữu hệ thống tên lửa Buk. Tuy nhiên, việc có vũ khí và sử dụng nó là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Sau thảm kịch MH17, dư luận quốc tế đang nghiêng hẳn về phía Ukraine và liên tục chỉ trích cuộc xung đột do quân nổi dậy tổ chức đã gây hậu quả nghiêm trọng ngoài sức tưởng tượng. Mỹ cùng các nước EU có lý do để đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp cứng rắn lên Nga.

 Một thành viên của tổ chức An ninh và hợp tác Châu Âu tại hiện trường máy bay rơi

Điện Kremlin thực sự tiến thoái lưỡng nan, đó là lý do khiến ông Putin dè dặt trong các phản ứng của mình sau thảm họa. Sự “khó xử” của tổng thống Nga càng khiến dư luận sôi sục vì cho rằng nước Nga đang tránh né trách nhiệm.

Căn cứ vào các yếu tố trên, cộng với những chứng cứ Nga mới công bố, có thể thấy rõ một điều là quân đội Ukraine hoàn toàn có đủ khả năng, phương tiện và cả động cơ phóng đi quả tên lửa định mệnh ấy.

Tuy nhiên, nếu ở thời điểm chiếc máy bay dân sự MAS bay qua bầu trời Donetsk mà quân đội Ukraine cùng lúc triển khai tấn công bằng cả không quân (Su-25) và tên lửa Buk ở mặt đất liệu có phải là một điều hợp lý? Nếu không thì lý do gì cả hai hệ thống này cùng được khởi động vào thời điểm “nhạy cảm” đó, theo những thông tin và cả ám chỉ mà phía Nga đưa ra?

Rõ ràng là nếu muốn cáo buộc trách nhiệm của Ukraine trong vụ MH17 bị bắn rơi, Nga cần có những chứng cứ xác thực hơn nữa. Đây cũng là cách duy nhất để tổng thống Putin xóa bỏ những hiểu lầm của quốc tế sau thảm kịch này.

Nhân Chính (tổng hợp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm