Vaccine COVID-19: Đừng đặt tất cả trứng vào một giỏ

Thế giới đã có hơn 20 triệu người nhiễm COVID-19, trong đó gần 740.000 người chết. Với đà lây và đà tử vong chưa thấy dấu hiệu ngừng lại thì vaccine ngừa đang được trông ngóng hằng ngày, hằng giờ.

Hiện thế giới có hơn 20 ứng viên vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người. Sáu trong các ứng viên này đã đi đến giai đoạn 3 với quy mô lớn - bước tiến lớn để tiến tới chính thức có được vaccine COVID-19.

Vaccine COVID-19 - cuộc đua tham vọng

Thông tin đáng chú ý nhất là ngày 11-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Bộ Y tế nước này đã chứng nhận vaccine COVID-19 đầu tiên, bật đèn xanh đưa vào sản xuất đại trà, theo đài RT. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko nói việc tiêm vaccine hàng loạt ở Nga dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 và toàn bộ chi phí do nhà nước chi trả. Nếu mọi việc diễn ra như phía Nga nói thì khả năng sẽ là nước sản xuất vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới.

Song thực tế chưa hẳn lạc quan vậy. Loại vaccine ông Putin nói tới là của Viện Gamaleya phát triển. Tuy nhiên, loại vaccine này mới bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ ba trên người tuần trước với chưa tới 100 người tham gia nhận mũi tiêm đầu tháng 8. Trong thư gửi Bộ trưởng Murashko, Hiệp hội Các tổ chức thử nghiệm lâm sàng (Nga) lo ngại nếu đưa loại vaccine này vào sản xuất và sử dụng đại trà một khi chưa có kết quả chắc chắn sẽ rất nguy hiểm.

Serum Institute of India - công ty sản xuất vaccine của Ấn Độ đã ký thỏa thuận với liên minh vaccine Gavi do tổ chức Bill & Melinda Gates Foundation thành lập để sản xuất đại trà vaccine do ĐH Oxford phát triển. Bill & Melinda Gates Foundation đã đồng ý chi cho Serum Institute of India - một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới 150 triệu USD để sản xuất hàng loạt vaccine phục vụ thị trường Ấn Độ cũng như các nước nghèo.

Hãng dược Shenzhen Kangtai Biological Products (Trung Quốc) đã ký thỏa thuận với tập đoàn dược đa quốc gia AstraZeneca để sản xuất vaccine do ĐH Oxford phát triển.

Thực tế tới thời điểm này vẫn chưa có loại vaccine nào được chứng minh có hiệu quả. Theo các chuyên gia, nhìn mặt bằng chung thì vẫn cần một thời gian khá lâu nữa để xác định điều này. Và sẽ cần một thời gian lâu hơn nữa trước khi có bất kỳ vaccine nào được sản xuất, phân phối ra thế giới để có được miễn dịch cộng đồng với căn bệnh quái ác này.

Nga đang chạy đua để sớm có được vaccine COVID-19. Ảnh: SPUTNIK/Russian Defence Ministry

Đừng đặt tất cả trứng vào một giỏ

Phần lớn chuyên gia lạc quan vaccine có thể bảo vệ con người trước COVID-19 ở chừng mực nào đó và mức độ bảo vệ sẽ tăng thêm nếu tiếp tục được phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, hiện có quá nhiều điều chưa biết về tác động của bất kỳ loại vaccine nào lên virus, liệu nó có chặn được đà lây nhiễm và cuối cùng kết thúc được đại dịch hay không.

Nhà nghiên cứu vaccine Jon Andrus, cựu phó giám đốc Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (thuộc WHO), hiện là trợ giảng tại Trường y tế công cộng Milken thuộc ĐH George Washington (Mỹ), không lạc quan lắm về hiệu quả của vaccine. Ông cảnh báo sẽ “nguy hiểm nếu bỏ hết tất cả trứng vào một giỏ - rằng vaccine sẽ cứu rỗi chúng ta, mà quên mất phải duy trì điều chúng ta đang phải làm từng giờ từng lúc này”.

Đồng quan điểm với ông Andrus, nhiều chuyên gia y tế cũng lo rằng việc kỳ vọng quá nhiều vào hiệu quả vaccine sẽ khiến mọi người chủ quan, lơ là các biện pháp ngăn lây nhiễm cốt tử khác. Nói cách khác, theo các chuyên gia, dù tới đây có vaccine đi nữa thì khả năng lớn mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp ngừa dịch như hiện nay để bảo đảm khả năng ngăn nhiễm. Về phía người dân, đó là rửa tay, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội. Về phía các nhà chức trách, đó là mở rộng xét nghiệm, xác định ca nhiễm và truy nguồn tiếp xúc.

90% con số người dân một nước phải tiêm chủng để có được miễn dịch cộng đồng với COVID-19, theo tính toán của các nhà khoa học. 

Hàng loạt câu hỏi chưa trả lời được

Từ các giai đoạn thử nghiệm có thể thấy nhiều ứng viên vaccine có thể hiệu quả trong việc đối phó virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến chừng nào sự phòng thủ này được chứng minh qua giai đoạn thử nghiệm thứ ba thì mọi thứ vẫn chưa thể khẳng định.

Một điều nữa, bản thân mỗi ứng viên vaccine cũng có mức độ hiệu quả khác nhau. Theo GS Lu Shan, người đang tham gia phát triển vaccine HIV tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ, mức độ hiệu quả này có thể trải từ 30% đến 90%.

Câu hỏi cũng đặt ra với việc vaccine sẽ có hiệu quả ngừa bao lâu. Một số nghiên cứu cho thấy lượng kháng thể trung hòa có ở những người nhiễm COVID-19 và hồi phục đã giảm mạnh sau chỉ vài tháng.

Cũng chưa rõ liệu người ta chỉ bị nhiễm COVID-19 một lần trong đời hay không. Hiện có đến bốn loại virus corona tồn tại song hành cùng đời sống con người và được xem như cảm lạnh thông thường khi bị nhiễm. Có nghĩa con người có thể bị tái nhiễm các loại virus corona này và có quan ngại điều này cũng sẽ diễn ra với loại virus corona mới này (SARS-CoV-2). Khả năng những người đã nhiễm và đã hồi phục sau nhiều tháng hoặc vài năm sẽ bị nhiễm lại.

Theo các nhà khoa học, cũng giống nhiều loại vaccine khác, mọi người cũng có thể phải chích đi chích lại vaccine COVID-19 sau một thời gian nào đó để duy trì miễn dịch. Nhưng dù có phải thế thì vẫn có ích khi thêm thời gian để các nhà khoa học phát triển ra loại vaccine hay thuốc điều trị tốt hơn.

Sẽ rất nguy hiểm nếu vaccine không tạo được miễn dịch cộng đồng

Càng nhiều người được tiêm vaccine và có miễn dịch thì mầm bệnh càng khó lây lan, giảm nguy cơ lây nhiễm và tăng khả năng bảo vệ cộng đồng. Thông thường miễn dịch cộng đồng (có đủ lượng người có miễn dịch với căn bệnh, giảm rủi ro lây nhiễm những người khác) sẽ có khi có 60%%-70% người có miễn dịch (chẳng hạn qua hình thức tiêm vaccine). Tuy nhiên, cân nhắc đến đà lây lan và dễ truyền nhiễm trong trường hợp COVID-19, nhiều nhà khoa học nói số người có miễn dịch để có được miễn dịch cộng đồng sẽ phải cao hơn. Con số này, theo GS Mary-Louse McLaws, cố vấn phản ứng với COVID-19 cho WHO, sẽ phải tới hơn 80% và có thể tới 95% ở những nước có số ca nhiễm lớn.

Virus sẽ tiếp tục lan tràn nếu lượng người tiêm vaccine không đủ nhiều để có được miễn dịch cộng đồng và điều này sẽ dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng khác nữa. Cụ thể, thực tế này có thể khiến công tác chống dịch trở nên phức tạp và nhiều thách thức hơn nếu xuất hiện các chuỗi virus biến thể khác ngoài tầm kiểm soát của vaccine hiện tại, theo chuyên gia Damian Purcell - Giám đốc phòng thí nghiệm phân tử virus tại Viện Truyền nhiễm và miễn dịch Peter Doherty thuộc ĐH Melbourne (Úc). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm