Vaccine dỏm Trung Quốc bị án phạt tỉ đô

Hãng tin CNN hôm qua (17-10) cho biết doanh nghiệp (DN) sản xuất vaccine Trung Quốc (TQ), đơn vị đã tung ra thị trường hàng trăm ngàn liều vaccine không đảm bảo chất lượng, trong đó đa số là vaccine dành cho trẻ em, đã bị chính phủ TQ tuyên án phạt 1,32 tỉ USD.

Án phạt tỉ đô

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của TQ cho biết Công ty Công nghệ sinh học Trường Sinh đã mắc nhiều lỗi vi phạm, bao gồm “thay đổi ngày sản xuất, sử dụng vaccine đã hết hạn để sản xuất các lô thuốc mới, sử dụng lẫn các lô vaccine khác nhau”. Báo chí TQ cũng cho biết DN này đã sản xuất ít nhất 100.000 liều vaccine bệnh dại mà các ngành chức trách cho rằng tuy không hiệu quả nhưng cũng không nguy hiểm với sức khỏe.

Ngoài vaccine dại thì khoảng 250.000 liều vaccine bạch hầu, ho gà và uốn ván cho trẻ em do Công ty Trường Sinh sản xuất cũng bị các cơ quan điều tra TQ phát hiện có vấn đề vào tháng 11 năm ngoái. Con số này đến tháng 8 vừa qua đã tăng chóng mặt, ước tính tổng cộng khoảng 900.000 liều vaccine đã bị các nhà chức trách TQ phát hiện không đảm bảo chất lượng, theo CNN.

Án phạt hơn 1,3 tỉ USD nhằm vào DN “máu mặt” này là số tiền phạt bổ sung sau khi chính phủ TQ đã phạt công ty này 507.843 USD vào tháng 7 vừa qua với các cáo buộc sản xuất vaccine không đảm bảo chất lượng bị phát hiện vào năm 2017. Phía nhà chức trách TQ không đề cập liệu họ có phát hiện thêm các loại vaccine khác kém chất lượng, hay án phạt nhằm vào công ty này có tiếp tục gia tăng vào thời gian tới hay không.

Một nhóm người TQ biểu tình chống nạn vaccine dỏm vào tháng 7-2018. Ảnh: CNN

Xoa dịu sự tức giận người dân TQ?

Thông tin xung quanh vấn đề vaccine dỏm từ năm ngoái đã khiến người dân TQ nói chung và những người làm cha mẹ nói riêng phẫn nộ. Rất đông người dân TQ đã tiến hành các cuộc biểu tình công khai bên ngoài các tòa nhà chính phủ TQ, các bậc phụ huynh chất vấn chính quyền Bắc Kinh làm thế nào họ có thể tin tưởng vào vai trò bảo vệ trẻ em của các nhà chức trách.

Trong giai đoạn tháng 7, tháng 8 vừa qua, nhiều phụ huynh và các nhà hoạt động xã hội đã tập trung trước Ủy ban Y tế quốc gia và Cục Quản lý dược TQ để yêu cầu chính phủ “đòi lại công bằng cho nạn nhân vaccine”. Biểu tình công khai ở TQ là hoạt động hiếm xảy ra khi nhà nước siết chặt các hoạt động dân sự đòi quyền con người. Nhưng vụ bê bối vaccine lần này thì khác.

“Làm ơn hãy thể hiện đầy đủ vai trò của người làm lãnh đạo. Làm ơn đòi lại sự công bằng cho những nạn nhân vaccine.”

Người biểu tình TQ nêu khẩu hiệu vào cuối tháng 7-2018 

Việc nổi giận của dân TQ, tất nhiên với những ai quan tâm thời sự, sẽ không chỉ dừng ở vấn đề vaccine dỏm mà còn liên quan đến cả ngành dược phẩm nói chung lẫn ngành thực phẩm. Nhiều vụ bê bối vaccine, dược phẩm, thực phẩm từng bị phanh phui nhưng theo giới quan sát, mọi chuyện đâu lại vào đấy. Còn nhớ 10 năm trước, dư luận TQ dậy sóng với vụ bê bối sữa nhiễm độc năm 2008, dẫn đến việc thu hồi hàng loạt sản phẩm, sáu ca tử vong ở trẻ sơ sinh và hơn 50.000 người nhập viện. Chưa đầy năm năm sau, một báo cáo không chính thức tiết lộ đã có trường hợp trẻ em TQ tử vong do tiêm vaccine viêm gan B. Trong năm 2016, một nhóm tội phạm bị phát hiện lưu trữ khoảng 2 triệu liều vaccine trong một nhà kho không đủ điều kiện.

Theo đánh giá của CNN, tranh cãi về an toàn dược phẩm, thực phẩm vốn đã kéo dài ở TQ trong suốt thập niên qua. Vụ bê bối vaccine được mô tả như một cuộc “khủng hoảng” về sức khỏe cộng đồng lần này chỉ là “giọt nước tràn ly”. Trước áp lực dư luận, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết hành động nhanh chóng bằng việc triển khai một cuộc điều tra ngay lập tức. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã lên án hành vi của công ty trên là “mất nhân tính”. Ít nhất 18 người đã bị cảnh sát TQ bắt giữ liên quan đến vụ bê bối vaccine và tịch thu giấy phép kinh doanh của Công ty Trường Sinh.

Mức án phạt tỉ đô, khởi tố hàng chục người liên quan và khả năng “xóa sổ” Công ty Trường Sinh sẽ là động thái trấn an dư luận, xoa dịu những cơn thịnh nộ của người dân TQ trong ngắn hạn. Nhưng Trường Sinh chỉ là một điển hình trong cơ chế quản lý sức khỏe cộng đồng yếu kém của TQ, vốn bị ảnh hưởng bởi tham nhũng và thiếu minh bạch về mối quan hệ nhà nước-doanh nghiệp.

Tới đây, lại phải nhắc đến giai thoại xuất hiện từ những năm 1990 ở TQ do GS Bill Hsiao (ĐH Harvard), chuyên gia y tế công cộng, dẫn lại: “Để trở thành một chủ tịch tỉnh và kiếm đủ kinh phí “bôi trơn” các quan chức khác, điều đầu tiên bạn cần làm là mở một nhà máy thuốc lá và thứ hai là một nhà máy dược phẩm”. Đó mới chính là bài toán nan giải của ông Tập Cận Bình.

Vaccine đem lại lợi nhuận rất cao

Trong năm 2016, Forbes ước tính giá trị ròng tài sản của “nữ hoàng vaccine” Cao Tuấn Phương và gia đình là 1 tỉ USD. Tham nhũng đã khiến ngành dược phẩm TQ cực kỳ khó cải cách. Năm 2007, TQ tử hình cựu giám đốc Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm TQ (CFDA) vì tội bán bản quyền sản xuất thuốc của nhà nước cho các công ty dược phẩm. Một báo cáo của chính phủ TQ cho thấy hơn 80% các công ty đã rút đơn cấp phép thuốc mới do gian lận kết quả kiểm định hoặc bị lỗi dữ liệu.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm