Vấn đề biển Đông: Philippines quyết kiện Trung Quốc

Báo Nikkei (Nhật) ngày 16-7 cho biết Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) sắp tới tại Bali (Indonesia) sẽ ra tuyên bố chung có nội dung kêu gọi các nước ASEAN tiến hành các biện pháp ngoại giao nhằm giữ cho xung đột về tranh chấp biển Đông với Trung Quốc không leo thang thêm nữa.

Tuyên bố chung ghi nhận cần thiết phải duy trì môi trường chính trị hòa bình, thân thiện, hòa hợp giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm theo đuổi ổn định, phát triển kinh tế và thịnh vượng trong khu vực.

Tuyên bố chung nhấn mạnh ARF sẽ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc ổn định an ninh khu vực.

Hôm 15-7, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã tuyên bố bác bỏ khả năng thương lượng song phương với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp biển Đông.

Ông khẳng định Philippines sẽ đưa vấn đề tranh chấp biển Đông với Trung Quốc ra tòa án quốc tế về luật biển của LHQ (UNCLOS). Ông tin tưởng chỉ có UNCLOS mới có thể giúp Philippines khẳng định chủ quyền ở biển Đông và Philippines sẽ trình bày với UNCLOS về bảy vụ xâm nhập của Trung Quốc từ đầu năm đến nay.

Vấn đề biển Đông: Philippines quyết kiện Trung Quốc ảnh 1

Từ tỉnh Giang Tô, ngày 1-7, siêu tàu lặn Giao Long của Trung Quốc được đưa lên tàu thám hiểm khoa học để chở ra Thái Bình Dương. Ảnh: THE MARITIME NEWS

Ông cũng cho biết sẽ đề cập đến vấn đề đưa tranh chấp biển Đông ra UNCLOS trong chuyến thăm Trung Quốc của ông vào tháng 8 hoặc tháng 9 tới.

Trong khi đó, báo Telegraph (Anh) ngày 15-7 đưa tin, cuối tuần này Trung Quốc sẽ thử nghiệm cho siêu tàu lặn Giao Long do Trung Quốc sản xuất lặn ở độ sâu 5.000 m ở Thái Bình Dương. Tàu chở theo ba thủy thủ.

Theo báo Telegraph, chuyến thử nghiệm mới nhất này của siêu tàu lặn Giao Long kéo dài 47 ngày và hoạt động chi tiết của chuyến đi được xem là bí mật quốc gia.

Trong năm 2010, siêu tàu lặn Giao Long đã 17 lần lặn ở biển Đông, trong đó có một lần lặn xuống độ sâu 3.759 m và cắm cờ Trung Quốc ở biển Đông (phía đông nam đảo Hải Nam) nhằm khẳng định chủ quyền trong vùng biển đang tranh chấp.

Nếu lặn xuống độ sâu 5.000 m thành công, dự kiến năm 2012 Trung Quốc sẽ thử nghiệm cho tàu lặn ở độ sâu 7.000 m. Vượt qua được độ sâu này, Giao Long sẽ trở thành siêu tàu lặn đầu tiên trên thế giới lặn xuống độ sâu kỷ lục 7.000 m.

Về mặt chính thức, Trung Quốc công bố nhiệm vụ chính của siêu tàu lặn Giao Long là phục vụ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, theo báo Telegraph, Trung Quốc hy vọng nếu đạt đến độ sâu 7.000 m, tàu lặn Giao Long sẽ được sử dụng để thăm dò và khai thác các lớp trầm tích kim loại (vàng, đồng, kẽm) dưới đáy biển.

Ngày 16-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Trung Quốc phản đối mọi quan chức nước ngoài tiếp Đạt Lai Lạt Ma (Phật giáo Tây Tạng), đồng thời kêu gọi Mỹ rút lại kế hoạch hội kiến giữa Tổng thống Obama với Đạt Lai Lạt Ma dự kiến diễn ra vào ngày 16-7 (giờ Mỹ). Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, buổi tiếp Đạt Lai Lạt Ma của Tổng thống Obama là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và sẽ làm tổn hại quan hệ hai nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ công nhận Tây Tạng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Hãng tin AFP cho biết đêm 15-7, một quan chức giấu tên ở Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama chắc chắn sẽ tiếp Đạt Lai Lạt Ma đúng lịch trình.

THIÊN ÂN (Theo AP, Phil Star, Telegraph, Nikkei)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm