Vì sao Nga nhắm mắt làm ngơ khi Israel liên tục không kích Syria?

Nga đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhất của nước này là S-400 tới Syria, song hệ thống tinh vi này dường như không có tác dụng chống lại các tiêm kích của Israel.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Israel Yair Lapid tổ chức họp báo sau cuộc gặp ở Moscow (Nga) hôm 9-9-2021. Ảnh: AFP/SEFA KARACAN/ANADOLU AGENCY

Theo trang Asia Times, nhiều người biết rằng Nga, đồng minh của Tổng thống Syria - ông Bashar al Assad, cho phép Israel tiến hành các cuộc không kích nhằm vào quân đội Syria lẫn lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn đang hoạt động tại nước này. Quyền lực tối cao của Nga đối với không phận Syria đã giúp xoay chuyển cuộc xung đột theo hướng có lợi cho ông Assad, vậy tại sao nước này lại cho phép Israel tiến hành các cuộc không kích Syria?

Thỏa thuận giữa Nga và Israel

Ngày 28-12-2021, các máy bay chiến đấu của Israel tấn công khu container tại cảng Latakia của Syria, nơi Nga duy trì căn cứ hải quân chính của nước này. Cuộc không kích tấn công vào một khu bãi được cho là nơi chứa các lô hàng vũ khí của Iran.

Đây là nỗ lực thứ hai của Israel nhằm phá hủy kho hàng. Nỗ lực thứ nhất xảy ra hôm 7-12-2021 nhưng dường như không được thành công như cuộc không kích mới đây vốn gây ra thiệt hại đáng kể.

Đêm đó, cả hệ thống phòng không S-400 của Nga lẫn của Syria đều không cố tấn công đáp trả các chiến cơ của Israel. Sự thật là Nga chưa bao giờ kích hoạt hệ thống phòng không nước này để chống lại các tiêm kích Israel. Sự thụ động này được cho nằm trong một thỏa thuận rộng lớn hơn giữa Nga và Israel.

Hiện trường vụ tấn công tên lửa tại khu cảng của TP Latakia (Syria) ngày 28-12-2021

Sau khi Nga bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria năm 2015, nước này đã đạt một thỏa thuận với Israel. Theo đó, Israel được cho là đã cam kết bảo đảm an toàn cho công dân và căn cứ quân sự của Nga tại Syria trong các cuộc không kích mà nhà nước Do Thái này tiến hành nhằm vào lực lượng dân quân thân Iran và các mục tiêu quân sự của Syria. Đổi lại, Nga cam kết không sử dụng vũ khí của mình để chặn các cuộc tấn công của Israel.

Trong trường hợp đó, tại sao quân đội Syria không đáp trả bằng vũ khí của họ vào ngày 28-12?

Theo các quan chức Điện Kremlin, một máy bay vận tải quân sự của Nga đang hạ cánh xuống căn cứ không quân Khmeimim – cách Latakia khoảng 25 km khi các cuộc không kích của Israel đang xảy ra. Do đó, các hệ thống phòng không của Syria không được kích hoạt.

Chắc chắn Điện Kremlin muốn tránh những sự cố như đã xảy ra năm 2018, khi máy bay trinh sát Il-20 của Nga chở 15 quân nhân đang trên đường trở về căn cứ Khmeimim thì vô tình bị tên lửa đất đối không S-200 của Syria bắn trúng. Nga đã quy trách nhiệm cho Israel, tuyên bố rằng các máy bay của Israel đã bẫy chiếc Il-20 vào đường bắn của hệ thống phòng không Syria sau khi không cảnh báo cho bộ chỉ huy Nga về cuộc không kích.

Có đồn đoán rằng chiếc Il-20 bị một tiêm kích F-16 của Israel bắn trúng, nhưng ngay cả khi đúng như vậy thì Điện Kremlin cũng chưa bao giờ vượt quá những lời lên án thông thường về vụ việc.

Vụ việc đó không có tác động gì tới mối quan hệ giữa Nga và Israel. Mặc dù quân đội Nga đang hoạt động tại Syria đủ sức ngăn Israel tấn công các mục tiêu Iran và Syria nhưng Nga liên tục nhắm mắt làm ngơ trước các hành động của Israel tại Syria. Cuộc tấn công vào cảng Latakia cũng không ngoại lệ.

Nga không sẵn sàng làm tổn hại quan hệ với Israel

Đối với ông Assad và Iran, Điện Kremlin hành động như một đồng minh và đối tác không đáng tin cậy. Năm 2010, Moscow từ chối bán hệ thống phòng không S-300 cho Tehran trước sức ép từ Mỹ và Israel. Năm 2019, Nga lần nữa từ chối yêu cầu của Iran về việc mua hệ thống phòng không S-400 vì lo ngại thương vụ sẽ khiến căng thẳng dâng cao tại Trung Đông.

Tiêm kích F-16I của Israel. Ảnh: BUSINESS INSIDER

Ngay cả khi lệnh cấm vận vũ khí thông thường mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên Iran không còn hiệu lực thì vẫn không biết chắc liệu Moscow có bán S-400 cho Tehran hay không. Điện Kremlin được cho lo ngại rằng Israel có thể đáp trả bằng cách cung cấp máy bay không người lái tinh vi cho Ukraine – nơi xuất hiện lo ngại về một cuộc chiến tranh sắp xảy ra với Nga.

Do đó, để không gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Israel, Nga có thể sẽ hạn chế hợp tác quân sự sâu hơn với Iran.

Như cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel - ông Meir Ben-Shabbat gần đây có nói, Nga và Israel có cùng quan điểm rằng Iran là một lực lượng gây bất ổn tại Trung Đông.

Lập trường bị động của Nga liên quan tới các cuộc không kích của Israel tại Syria rõ ràng chứng tỏ rằng Điện Kremlin không sẵn sàng làm tổn hại quan hệ với Israel chỉ vì lợi ích liên minh với Syria và mối quan hệ đối tác chiến lược với Iran.

Chỉ vài ngày trước cuộc không kích Latakia, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Israel - ông Isaac Herzog có cuộc điện đàm và thảo luận về hợp tác song phương.

Mối quan hệ giữa Israel và Nga có liên kết chặt chẽ về mặt lịch sử trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Có tới 1,5 triệu người Israel nói tiếng Nga tại nhà nước Do Thái, và một số tài nhà tài phiệt Nga như Mikhail Fridman và German Khan đã nhập tịch Israel.

Theo Asia Times, Nga sẽ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên tại Trung Đông, Điện Kremlin sẽ tiếp tục ngăn Damascus đáp trả các cuộc không kích của Israel.

Syria là mắt xích yếu nhất trong quan hệ Nga-Israel, và về phần mình, Iran không có quyền gây áp lực lên Moscow để cho phép lực lượng ủy nhiệm của Iran sử dụng lãnh thổ Syria làm căn cứ chống lại Israel.

Nga sẽ tiếp tục giữ thế cân bằng giữa cái gọi là Trục kháng chiến (Syria, Iran và lực lượng dân quân ủy nhiệm của Iran) và Israel. Tuy nhiên, từ mối quan hệ lịch sử và hiện tại có thể thấy rằng cán cân nhiều khả năng sẽ nghiêng về phía Israel.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm