Vì sao Trung-Nga tập trận?

Liên quan đến cuộc tập trận hải quân Trung-Nga vào tháng 9 tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã kêu gọi Trung Quốc thể hiện minh bạch về các ý định và năng lực quân sự của Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo ở Washington ngày 28-7 (giờ địa phương), ông John Kirby phát biểu: “Không cần làm thế để gia tăng căng thẳng. Chúng tôi đang chờ đợi các cuộc tập trận và các chiến dịch sẽ được thực hiện phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp”.

Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 29-7 cho biết theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cuộc tập trận Trung-Nga trên biển Đông mang tên “Phối hợp hàng hải 2016” (“Joint Sea 2016”) diễn ra vừa trên đất liền vừa trên biển. Mục đích tập trận nhằm “củng cố năng lực của hải quân hai nước để phối hợp đối phó với các mối đe dọa an ninh hàng hải”.

Trong lần tập trận chung này, có thể hạm đội Nam Hải tham gia tập trận vì hạm đội này đảm trách phạm vi biển Đông. Đây là cuộc tập trận hải quân Trung-Nga thứ bảy từ năm 2005. Các cuộc tập trận mang tên “Phối hợp hàng hải” diễn ra từ năm 2012.

Các binh sĩ Mỹ và Philippines tham gia cuộc tập trận Balikatan hồi tháng 4 tại Philippines. Ảnh: YOUTUBE

Chi tiết “Phối hợp hàng hải 2016” chưa được công bố. Tuy nhiên, cuộc tập trận năm ngoái gồm hai phần: Tập trận trên Địa Trung Hải vào tháng 4-2015 và tập trận trên biển Nhật Bản vào tháng 8-2015.

Trong báo cáo năm 2016 về hoạt động quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận: “Giai đoạn đầu trên Địa Trung Hải tập trung bảo vệ các tuyến liên lạc hàng hải và đấu tranh chống khủng bố. Giai đoạn 2 trên biển Nhật Bản gồm đổ bộ thủy-bộ, phối hợp bảo vệ đường không và chống tàu mặt nước”.

Tạp chí The Diplomat nhận xét Trung Quốc chính là nước đã từng hung hăng chỉ trích Mỹ tập trận chung với Philippines hồi tháng 4 là “làm ảnh hưởng quan hệ các nước, dẫn đến xung đột, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định ở biển Đông”.

Đối với Nga, The Diplomat đánh giá dù đào sâu quan hệ an ninh với Trung Quốc nhưng Nga vẫn cố chứng tỏ trung lập về vấn đề biển Đông. Nga đã từng tỏ ra khó chịu khi Trung Quốc gây sức ép để Nga ủng hộ vấn đề biển Đông.

Chuyên gia Bonnie Glaser, Giám đốc dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận xét đây là phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của Tòa Trọng tài nhằm giảm sức ép từ dư luận và quân đội.

Báo New York Times dẫn lời chuyên gia Taylor Fravel ở Học viện Công nghệ Massachusetts nhận xét vấn đề then chốt là tập trận diễn ra ở đâu trên biển Đông.

Nếu tập trận diễn ra gần tỉnh Quảng Đông hay gần đảo Hải Nam thì ít bị chỉ trích. Bằng như tập trận diễn ra gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, chắc chắn các nước sẽ lên tiếng cảnh báo.

Báo Philippine Star đưa tin ngày 29-7, người phát ngôn tổng thống Philippines cho biết chính phủ chủ trương không vội vã đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp ở biển Đông. Tổng thống Rodrigo Duterte, cựu Tổng thống Fidel Ramos (đặc phái viên về Trung Quốc) và Hội đồng An ninh quốc gia đã thảo luận về các bước kế tiếp đối với Trung Quốc.

Tại buổi tham vấn ngày 27-7, bốn cựu Tổng thống Fidel Ramos, Joseph Estrada, Gloria Arroyo và Benigno Aquino đều ủng hộ phương pháp tiếp cận bằng ngoại giao với Trung Quốc. Về phán quyết trọng tài thì khi nào điều kiện cho phép mới nêu ra.

_______________________________

17% diện tích đất (4.000 ha) thuộc quân đội Mỹ quản lý trên đảo Okinawa (Nhật) sẽ được trả lại cho Nhật theo thông báo của tướng Lawrence D. Nicholson. Thông báo nêu: “Chúng tôi tôn trọng tình cảm của người dân Okinawa khi nghĩ rằng chúng tôi cần phải giảm sự hiện diện”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm