Việt Nam sẽ là ‘thung lũng Silicon’ của Đông Nam Á

Mặc dù hầu hết các nước ASEAN đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghệ cao trong cơ cấu nền kinh tế nhưng Việt Nam hiện nổi lên là địa điểm lý tưởng nhất để trở thành người đi đầu trong lĩnh vực này và trở thành “thung lũng Silicon” ở khu vực Đông Nam Á.

Đó là nhận định được đưa ra bởi Asean Correspondent, trang tin chuyên viết các bài phân tích về khu vực châu Á và hiện là một đối tác của hãng tin AP. Thung lũng Silicon được dùng để chỉ trung khu công nghệ cao nằm ở phía nam vịnh San Francisco, phía bắc bang California (Mỹ).

Một góc của thủ đô Hà Nội nhìn từ trên không. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Theo Asean Correspondent, Việt Nam đang nổi tiếng trong khu vực là một trung tâm sản xuất các thiết bị điện tử cho các tập đoàn nổi tiếng hàng đầu thế giới của Hàn Quốc và Nhật Bản như Samsung, LG Electronics, Panasonic và Toshiba. Hiện Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, cải tiến và phát triển công nghệ.

Ngành toán học và khoa học của Việt Nam đặc biệt đã gây chú ý thế giới khi năm 2012, lần đầu tiên lứa học sinh 15 tuổi của Việt Nam lọt vào top 8 lĩnh vực khoa học và xếp thứ 17 ở lĩnh vực toán học trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Những kết quả ấn tượng này tiếp tục được lặp lại vào năm 2015 khi Việt Nam lọt vào top 8 (khoa học) và xếp thứ 22 (toán học) trên bảng xếp hạng của PISA, vượt trước các đối thủ Mỹ, Úc và Anh.

Một lớp học thông minh ở ngoại ô thủ đô Hà Nội. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Andreas Schleicher, điều phối viên phụ trách các cuộc thi của OECD, cho rằng thành công của Việt Nam là nhờ chính sách chu đáo mang tầm nhìn xa của chính phủ, sự tập trung vào công tác giảng dạy, đầu tư vào nguồn lực giáo viên. Asean Correspondent cho biết các học sinh phổ thông Việt Nam thường vượt trội so với các bạn đồng trang lứa đến từ các quốc gia phát triển.

Đặc biệt, các thành tựu của học sinh Việt Nam ở chương trình STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) đã thu hút sự chú ý không những từ các nhà nghiên cứu và những người làm chính sách giáo dục mà còn từ các tập đoàn công nghệ quốc tế đang săn tìm các tài năng mới.

Neil Fraser, một kỹ sư phần mềm gạo cội đến từ Google, mới đây đã tới thăm các trường địa phương tại Việt Nam và tìm hiểu về các kỹ năng công nghệ của học sinh Việt Nam. Trao đổi với hãng tin Reuters, Fraser cho biết: “Việt Nam sở hữu những học sinh giỏi nhất trong lĩnh vực khoa học máy tính mà tôi từng gặp. Các bài tập tôi xem họ làm thậm chí được xem là thách thức đối với những cuộc phỏng vấn của Google”.

Trong lần tới Việt Nam hồi năm 2016, Tổng giám đốc Google Sundar Pichai cũng cho rằng Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong 10 thị trường quan trọng nhất của Google. Gã khổng lồ công nghệ tới từ California cũng cam kết sẽ đào tạo 1.400 kỹ sư công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Theo trang tin, sự hấp dẫn của Việt Nam cũng ngày càng tăng cao nhờ vào lực lượng lao động có trình độ về công nghệ, với chi phí rẻ hơn Trung Quốc nhưng năng suất cao hơn tất cả quốc gia trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Asean Correspondent nhận định với hệ thống giáo dục phát triển, sự hỗ trợ của chính phủ, các nguồn đầu tư nước ngoài và các tài năng về công nghệ thông tin, Việt Nam có tất cả điều kiện lý tưởng để đạt được các mục tiêu và trở thành “thung lũng Silicon” của khu vực Đông Nam Á.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm