Vỡ đập Lào: Mẹ cột con vào người sẵn sàng chết chung

Công tác cứu hộ, tìm kiếm người sống sót sau vụ vỡ đập dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở Lào ngày 26-7 gặp nhiều khó khăn, cản trở vì mưa lớn, gió mạnh, đường sá hư hại, ngập nước, khu vực không có sóng điện thoại.

Ngoài 131 người mất tích và 26 người chết, vẫn còn khoảng 3.000 người đang phải tránh lũ trên các mái nhà chờ cứu. Thuyền và trực thăng được triển khai tìm kiếm người còn mắc kẹt, khi đường sá nhiều khu vực bị phong tỏa hoàn toàn.

Bò đứng chôn chân trong nước lụt chờ cứu tại huyện Sanamxai, tỉnh Attapeu (Lào) ngày 25-7. Ảnh: EPA

Bò đứng chôn chân trong nước lụt chờ cứu tại huyện Sanamxai, tỉnh Attapeu (Lào) ngày 25-7. Ảnh: EPA

Hơn 3.000 người đã được đưa về các trung tâm sơ tán, một số được thiết kế từ các trường học và cả trên các khu đất không ngập nước. Người dân đang rất cần hỗ trợ y tế, thực phẩm, nước sạch, lều trại.

Có mặt tại một trung tâm sơ tán ngày 26-7, nhà báo AFP được nhiều người dân cho biết họ chỉ nhận được cảnh báo trước khi thảm họa xảy ra vài giờ.

Người dân được di chuyển bằng phà về trung tâm sơ tán. Ảnh: ATTAPEU TODAY

Người dân được di chuyển bằng phà về trung tâm sơ tán. Ảnh: ATTAPEU TODAY

Nhiều người nhớ lại thời khắc sợ hãi khi cố tìm cách thoát dòng nước lụt. Ông Tran Van Bien, 47 tuổi, sống ở làng Ban May gần con đập, cho biết ông nhận được yêu cầu sơ tán chỉ hai giờ trước khi đập vỡ vào tối 23-7. Ông kéo cả gia đình chạy sang nhà hàng xóm trú nhờ vì nhà ông bị ngập rất nhanh.

“Chúng tôi ngồi trên mái nhà cả đêm, lạnh lẽo và sợ hãi. Tầm 4 giờ sáng một con thuyền gỗ đi qua và chúng tôi quyết định đưa vợ con lên thuyền đi sơ tán trước. Vợ tôi cột con vào người mình nói rằng nếu có chết thì chết cùng nhau còn hơn sống một mình” - ông Bien nói với nhà báo AFP sau khi ông được cứu đến một trung tâm sơ tán ở ngôi làng bên cạnh.

Mẹ và con vạ vật tại một trung tâm sơ tán. Ảnh: NYT

Mẹ và con vạ vật tại một trung tâm sơ tán. Ảnh: NYT

Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK (Hàn Quốc) - một đơn vị tham gia liên doanh thực hiện dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy cho biết đã phát hiện vết nứt trên đập một ngày trước khi nó vỡ. Các kỹ sư đã cố sửa chữa nhưng không cứu được.

Xe Pian-Xe Namnoy là một trong 46 dự án thủy điện đang trong quá trình xây dựng hay đã lên kế hoạch xây dựng ở Lào. Lào đang trên đà phát triển rất nhanh các dự án thủy điện, nhằm thực hiện tham vọng trở thành “viên pin của châu Á”. Tuy nhiên, Xe Pian-Xe Namnoy và các dự án này bị các tổ chức môi trường chỉ trích tác động tiêu cực đến môi trường sống và sinh kế của người dân.

Người dân tại một trung tâm sơ tán, đang rất cần được hổ trợ y tế, thực phẩm, nước sạch, lều trại. Ảnh: NYT

Người dân tại một trung tâm sơ tán, đang rất cần được hỗ trợ y tế, thực phẩm, nước sạch, lều trại. Ảnh: NYT

“Rất nhiều người đang phải gánh chịu hậu quả từ vụ vỡ đập vốn trước đó đã phải chịu nhiều tác động tiêu cực trong quá trình xây dựng đập. Thảm họa này càng làm trầm trọng thêm sự thống khổ của họ.

Các cộng đồng dân cư đã không được cảnh báo sớm để đảm bảo an toàn cho họ. Thực tế này đặt ra câu hỏi về các tiêu chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn an toàn đập thủy điện ở Lào” - tổ chức Các dòng sông quốc tế tuyên bố ngày 25-7. Tổ chức này cũng lo ngại rất nhiều đập không có khả năng đối phó với thời tiết khắc nghiệt.

Nước vẫn ngập sâu tại huyện Sanamxai, tỉnh Attapeu (Lào) ngày 25-7. Ảnh: AFP

Nước vẫn ngập sâu tại huyện Sanamxai, tỉnh Attapeu (Lào) ngày 25-7. Ảnh: AFP

Sau vụ vỡ đập thủy điện sông Nam Ao năm ngoái gây ngập hàng loạt làng mạc, bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ kêu gọi hủy các dự án thủy điện không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn xây dựng. Chưa biết đã có thay đổi thật sự gì trong 12 tháng qua hay không.

Asian Times dẫn ý kiến một nhà phân tích cho rằng năng lực giám sát xây dựng và vận hành thủy điện của chính phủ Lào rất hạn chế. Các dự án xây dựng thường bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn cơ bản để đáp ứng tiến độ và yêu cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Lào siết hoạt động đập thủy điện
Lào siết hoạt động đập thủy điện
(PLO)- Các đơn vị vận hành đập thủy điện phải báo cáo chính phủ về mực nước, kế hoạch sản xuất điện, điều kiện đập, kế hoạch phản ứng khi xảy ra tình huống khẩn cấp.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm