Vụ án sữa bột nhiễm melamine: Lãnh đạo Tập đoàn Tam Lộc ra tòa

Ngày 31-12-2008, Tòa án nhân dân trung cấp TP Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) đã mở phiên tòa xét xử bốn lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Tam Lộc trong vụ án sữa bột nhiễm melamine gây sỏi thận.

Các bị cáo gồm Điền Văn Hoa (nguyên chủ tịch tập đoàn), Vương Ngọc Lương (nguyên phó tổng giám đốc), Hàng Chí Kỳ (nguyên phó tổng giám đốc) và Ngô Tụ Sinh (nguyên tổng giám đốc). Đại diện cho Tập đoàn Tam Lộc ở vị trí bị cáo là Nhiễm Vĩ Quang (chủ tịch công đoàn).

Theo Viện kiểm sát TP Thạch Gia Trang, từ tháng 12-2007, Tập đoàn Tam Lộc liên tiếp nhận được thư phản ánh của người tiêu dùng về việc một số trẻ sơ sinh sau khi sử dụng sữa bột đã xuất hiện hạt kết tủa màu đỏ trong nước tiểu.

Đến ngày 17-5-2008, bộ phận dịch vụ khách hàng của Tập đoàn Tam Lộc mới thông báo bằng văn bản nội dung trên cho ban lãnh đạo tập đoàn. Đến ngày 1-8, tập đoàn nhận được kết quả xét nghiệm 16 mẫu sữa bột của 16 đợt sản xuất khác nhau. Kết quả: 15/16 mẫu nhiễm melamine. Dù vậy, tập đoàn vẫn tiếp tục sản xuất.

Đối với sản phẩm trong kho, ngày 13-8, ban lãnh đạo Tập đoàn Tam Lộc chỉ đạo: Cho xuất xưởng sản phẩm có hàm lượng melamine từ 10 mg/kg trở xuống; tạm thời niêm phong sản phẩm có hàm lượng melamine cao hơn; đối với sản phẩm có hàm lượng melamine khoảng 20 mg/kg, pha chế giảm lượng melamine xuống, sau đó lấy sản phẩm đổi sản phẩm có hàm lượng lớn hơn. Cứ vậy, tập đoàn đã dần tiêu thụ sản phẩm có chứa melamine ra thị trường thông qua biện pháp đổi hàng.

Như vậy, Tập đoàn Tam Lộc mắc ba sai phạm sau: Biết rõ sự việc nhưng không báo cáo; tự ý đặt ra tiêu chuẩn xuất xưởng cho sản phẩm có chứa melamine; tiếp tục sử dụng sản phẩm bị nhiễm melamine.

Do đó, Viện kiểm sát đã khởi tố Tập đoàn Tam Lộc về tội sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ sữa có chất melamine, cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự về việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng. Bốn bị cáo là những người chịu trách nhiệm trực tiếp trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ của tập đoàn, do đó phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự về việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng.

Theo Luật Hình sự Trung Quốc, đối với tội sản xuất, tiêu thụ thực phẩm có độc tố, có hại khiến người bị chết hoặc gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng cho sức khỏe con người, khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Có ý kiến cho rằng theo mức độ nguy hại xã hội do vụ sữa bột Tam Lộc nhiễm melamine gây ra, có khả năng Điền Văn Hoa sẽ bị nhận mức án cao nhất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dù Điền Văn Hoa chịu trách nhiệm chính trong vụ này nhưng trách nhiệm chủ yếu chỉ là không đủ năng lực quản lý, giám sát và che giấu sự việc, hơn nữa không phải là chủ mưu pha thêm melamine vào sữa bột. Do đó, khả năng Điền Văn Hoa bị kết án tử hình không lớn.

Tính đến ngày 31-12, tổng cộng có 21 bị cáo trong vụ án sữa bột Tam Lộc nhiễm melamine bị đưa ra xét xử trong nhiều phiên tòa khác nhau.

HỒNG ANH (Theo Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm