Vụ thảm sát Orlando diễn ra như thế nào?

• Gần 2 giờ sáng: Nửa tiếng trước khi hộp đêm Pulse đóng cửa, hung thủ Omar Mateen lái xe đến bãi đậu xe. Hắn gọi vào số khẩn cấp 911 của cảnh sát thông báo đã tuyên thệ trung thành với IS.

• 2 giờ 02: Omar Mateen cầm một khẩu AR-15, một khẩu súng lục 9 mm và nhiều băng đạn bước vào hộp đêm và bắn vào đám đông ở sàn nhảy chính. Một cảnh sát mặc đồng phục bảo vệ hộp đêm bắn trả. Hai bên đấu súng. Hung thủ bắt đầu bắt giữ con tin.

Lúc 2 giờ 09, hộp đêm Pulse nhắn tin trên Facebook yêu cầu mọi người rời khỏi hộp đêm ngay và tiếp tục chạy nhưng không nói rõ vì sao. Hàng trăm cảnh sát bao vây hộp đêm. Tình hình hỗn loạn và căng thẳng. Cảnh sát đã liên lạc được với hung thủ (nội dung chưa được tiết lộ).

Hung thủ Omar Mateen. Ảnh: AP

• 3 giờ 58: Cảnh sát Orlando công bố trên Twitter: “Nổ súng đang diễn ra ở hộp đêm Pulse trên đường South Orange. Nhiều người bị thương. Hãy tránh xa khu vực này”.

• 5 giờ: Đội đặc nhiệm SWAT quyết định tấn công. Sở dĩ cảnh sát phải chờ đợi nhiều giờ nhằm đánh giá tình hình bên trong hộp đêm, điều động xe bọc thép và người tăng cường.

Đội SWAT tạo ra hai vụ nổ có kiểm soát để khủng bố tinh thần hung thủ. 11 cảnh sát đặc nhiệm xông vào bên trong. Đấu súng xảy ra. 30 con tin được giải cứu. Lúc 5 giờ 35, cảnh sát Orlando thông báo hung thủ đã bị tiêu diệt và đưa người máy vào dò mìn tại hiện trường.

• 8 giờ: FBI chính thức thông báo đây là vụ khủng bố trong nước. Lúc 9 giờ 40, cảnh sát thông báo đã nhận dạng hung thủ là Omar Mateen, 29 tuổi, cư trú ở TP Port St. Lucie (bang Florida) cách Orlando gần 200 km.

Đến 10 giờ 20, Thị trưởng Buddy Dyer thông báo 50 người chết gồm 30 thi thể trong hộp đêm, hai thi thể bên ngoài và chín người chết trên đường đi cấp cứu hay bệnh viện. Ngoài ra còn có 53 người bị thương. Sau đó, FBI thông báo lại chỉ có 49 nạn nhân thiệt mạng.

Nhiều nguyên thủ quốc gia đã lên án vụ thảm sát Orlando và khẳng định tiếp tục chống khủng bố. Tổng thống Nga Putin gọi vụ thảm sát ở Orlando là “tội ác man rợ”. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ tình đoàn kết với cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) cùng nhân dân Mỹ.

Nhiều cuộc tập hợp trên thế giới đã được tổ chức để chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân và cộng đồng LGBT ở Orlando. Đêm 12-6 tại New York, đèn trên tòa nhà Empire State đã tắt trong khi Trung tâm Thương mại một thế giới được chiếu đèn sắc cầu vồng. Tại Pháp đêm 13-6, tháp Eiffel được chiếu đèn sắc cầu vồng. Tòa thị chính Paris cũng treo cờ sắc cầu vồng và cờ nước Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm