Vụ trộm gây căng thẳng quan hệ Thái Lan - Arập Xêút

Tên trộm đã dùng tua vít phá két sắt và cuỗm đi số đồ nữ trang và đá quý nặng khoảng 90,71kg với tổng trị giá khoảng 20 triệu USD...

Thái tử Faisal nói với tờ Washington Post rằng, người làm vườn Thái Lan đã lấy trộm đi "những viên hồng ngọc to cỡ quả trứng gà" cùng với một viên kim cương to màu xanh gần như không có vết rạn nứt nào trị giá hàng triệu USD. Viên kim cương 50 carat này là một trong những viên kim cương xanh lớn nhất thế giới và là của gia truyền vô giá của Hoàng gia Arập Xêút.

Vụ trộm gây căng thẳng quan hệ Thái Lan - Arập Xêút ảnh 1

Tên trộm Kriangkrai Techamong

Theo báo chí Thái Lan, sau vụ trộm, người làm vườn Kriangkrai Techamong chuyển số đá quý qua đường máy bay về nhà mình ở tỉnh Lampang, miền Bắc Thái Lan và sau đó lẩn trốn biệt tăm. Nhà kinh doanh nữ trang đá quý có tầm cỡ ở Thái Lan là Santi Sithanakan được cho là người đã mua phần lớn số châu báu ăn cắp của Kriangkrai.

Một cuộc điều tra do Trung tướng Cảnh sát Thái Lan Chalor Kerdthes tiến hành sau đó đã dẫn đến việc bắt giữ người làm vườn tham lam Kriangkrai ngày 10-1-1990 và thu hồi được nhiều món nữ trang đắt tiền. Kriangkrai bị tuyên án 7 năm tù nhưng được giảm án xuống còn 3 năm do đã thành thật khai báo trước tòa án. Vụ án viên kim cương xanh đến thời điểm này tưởng như đã kết thúc có hậu cho cả hai phía Thái Lan và Arập Xêút, sau khi một nhóm Cảnh sát Thái Lan dưới quyền của Chalor Kerdthes bay sang Arập Xêút để trao trả số đá quý trong một nghi lễ chính thức vào tháng 3-1990.

Về sau, khi kiểm tra số châu báu được hoàn trả, chính quyền Arập Xêút phát hiện khoảng một nửa trong số đó là giả, thậm chí một số rất thô thiển,  trong khi viên kim cương xanh vẫn mất tích một cách bí ẩn. Chính quyền Arập Xêút nghi ngờ Cảnh sát Thái Lan liên quan đến số đồ kim hoàn giả mạo này. Nhà ngoại giao Mohammed Said Khoja của Arập Xêút, người được lệnh đến Bangkok để tìm đem về số kim hoàn bị mất cắp, tin rằng người làm giả số kim hoàn là nhà kinh doanh nữ trang đá quý lớn của Thái Lan Santi Sithanakan.

Trước đó, tháng 2-1990, tức vài tháng sau vụ trộm đồ kim hoàn, 3 nhà ngoại giao của Arập Xêút ở Bangkok bị bắn chết và không lâu sau đó một doanh nhân Arập Xêút là Mohammad al-Ruwaili - người được cho là đã chứng kiến 1 trong 3 vụ bắn người này - bị mất tích và không bao giờ được nghe nói đến một lần nào nữa.

Về những vụ giết người này, Said Khoja cho rằng họ bị giết chết do nắm giữ thông tin quan trọng liên quan đến số đá quý bị mất trộm, bất chấp  Cơ quan điều tra đặc biệt của Thái Lan (DSI) luôn nhấn mạnh rằng những vụ giết người và bắt cóc không liên quan đến vụ trộm kim hoàn.

Vụ trộm gây căng thẳng quan hệ Thái Lan - Arập Xêút ảnh 2

Tướng Chalor Kerdthes bị bắt giữ

Sự việc càng trở nên phức tạp khi báo chí Thái Lan công bố những hình ảnh cho thấy một số mệnh phụ nước này - bao gồm vợ của những vị tướng và chính khách hàng đầu của Thái Lan - hãnh diện khoe với nhau những chiếc vòng cổ nạm kim cương tại một lễ hội từ thiện. Một điều khiến cho Hoàng gia Arập Xêút tức giận là một số vòng cổ này trông rất giống với số nữ trang của họ đã bị lấy trộm.

Để trả đũa, tháng 6-1990, Arập Xêút quyết định ngừng thay mới visa cho hơn 250.000 người lao động Thái Lan đang làm việc ở nước này. Hành động này của Riyadh đã khiến Thái Lan mất đi hàng tỉ USD tiền gửi về nước từ số lao động này. Thêm vào đó Arập Xêút cũng ngăn cấm công dân nước họ du lịch đến Thái Lan. Nabil Ashri, nhà Ngoại giao Arập Xêút cho tờ Time biết quyết định của Riyadh nhằm mục đích an ninh và phản ứng lại sự việc chính quyền Thái Lan đã không giải quyết đến nơi đến chốn cũng như không giải thích rõ ràng cho phía Arập Xêút về những vụ án đã xảy ra.

Tháng 6-1991, dưới sức ép liên tục của Riyadh, Cảnh sát Thái Lan buộc phải mở cuộc điều tra lại. Nhưng đến tháng 8-1994, nhà kinh doanh kim hoàn Thái Lan Santi Sithanakan - người mà Khoja tin là đứng đằng sau vụ làm giả nữ trang - bị bắt cóc và giết chết.

Hai tuần sau đó, vợ và đứa con trai 14 tuổi của Santi được phát hiện chết trong chiếc Mercedes ở bên ngoài thủ đô Bangkok của Thái Lan. Lúc đó Cảnh sát Thái Lan tuyên bố hai người này chết do tai nạn xe hơi, nhưng Khoja không tin đó là sự thật. Và, chỉ vài tháng sau đó Trung tướng Chalor Kerdthes, người lãnh đạo cuộc điều tra ban đầu và giao trả số đá quý giả cho Arập Xêút bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ và bị buộc tội đã ra lệnh sát hại vợ và con trai của Santi Sithanakan. Tuy nhiên, Chalor vẫn một mực kêu là mình  vô tội và nói: "Không phải tất cả những người ngồi tù là có tội". Chalor Kerdthes bị tuyên án tử hình, nhưng bản án không được tiến hành và hiện ông ta vẫn ngồi tù.

Năm 2004, DSI tiếp nhận điều tra những vụ giết người từ Cảnh sát Thái Lan và tháng 6-2006, Chalor Kerdthes bị kết án 20 năm tù. Năm 2009 một người tên là Abu Ali bị bắt giữ vì nghi ngờ đã bắn chết Abdullah al-Besri, người đầu tiên trong số 3 nhà ngoại giao Arập bị bắn chết ngày 1-2-1990. Và tháng 1-2010, đội điều tra của DSI đề nghị Interpol giúp đỡ điều tra về nghi phạm giết người này.

Dự kiến vào cuối tháng 3-2010, Thái Lan sẽ mở phiên tòa xét xử 5 sĩ quan cảnh sát liên quan đến những vụ án mạng phức tạp và Arập Xêút sẽ xem xét phục hồi quan hệ ngoại giao với Thái Lan sau khi mọi vụ việc được xử lý rốt ráo. Còn tên trộm Kriangkrai đã mãn hạn tù từ năm 1994, hiện đang sống "khiêm tốn" với vợ trong một căn nhà gỗ nhỏ ở tỉnh Lampang và không ai biết được ông ta đào đâu ra tiền để mua chiếc xe tải mới toanh.

Diên San tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm