WikiLeaks: Mục tiêu tiếp theo sẽ là ngân hàng Mỹ

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tạp chí Forbes số ra ngày 29/11, Assange cho biết chuẩn bị công khai hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn tài liệu có thể "hạ gục" một hoặc hai ngân hàng Mỹ.

Các thông tin này sẽ đưa ra cái nhìn chân thực và điển hình về hoạt động của các nhà điều hành ngân hàng, có thể là một trường hợp đặc biệt hoặc một vi phạm đặc biệt, để từ đó thúc đẩy các cuộc điều tra và cải cách.

Assange cũng nhắc tới ngân hàng Goldman Sachs, tuy nhiên chưa khẳng định tập đoàn lớn ở Phố Wall này có phải là mục tiêu bị tiết lộ thông tin hay không.

Assange cho hay khoảng 50% các tài liệu mà tổ chức phi lợi nhuận này giữ có liên quan tới các tập đoàn tài chính.

Chính trường Mỹ tiếp tục sôi sục sau khi WikiLeaks công khai nội dung của 250.000 văn thư ngoại giao nội bộ của Mỹ.

Tại một cuộc họp báo ở thủ đô Washington ngày 29/11, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh việc làm của WikiLeaks không chỉ là cuộc tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ các vấn đề của cộng đồng quốc tế.

Theo bà H.Clinton, việc WikiLeaks tiết lộ những thông tin ngoại giao nhạy cảm của Mỹ khiến người dân nước này bị nguy hiểm, nền an ninh trong nước bị đe dọa và các nỗ lực của Washington với những nước khác nhằm giải quyết các vấn đề chung bị phá hoại.

Bà H.Clinton một mặt trấn an các đồng minh, khẳng định rằng mối quan hệ giữa Mỹ với các nước này vẫn bền chặt, một mặt xin lỗi những rắc rối mà Washington có thể gây ra cho các nước. Bà cũng cho biết giới chức Mỹ đang tiến hành các biện pháp mạnh mẽ để quy trách nhiệm cho những kẻ đã đánh cắp thông tin.

Ngay sau phát biển trên, bà H.Clinton đã rời Washington bắt đầu chuyến thăm châu Á bốn ngày nhằm thuyết phục hàng chục đồng minh rằng Mỹ vẫn là đối tác tin cậy sau vụ "Watergate thứ hai" nói trên.

Theo kế hoạch, bà H.Clinton sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Tổ chức an ninh hợp tác châu Âu (OSCE) ở Kazakhstan, sau đó thăm Kyrgyzstan, Uzbekistan và Bahrain.

Cũng trong ngày 29/11, Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu các cơ quan chính phủ rà soát lại toàn bộ quy trình bảo quản thông tin mật, trong khi đó Bộ Quốc phòng cấm nhân viên lưu trữ tài liệu nhạy cảm trong các thiết bị có thể mang theo người.

Bộ này cũng đã tăng cường an ninh đối với hệ thống máy tính mật nhằm ngăn chặn các vụ rò rỉ tài liệu, tiến hành các thay đổi cơ bản, bao gồm cả việc giới hạn số hệ thống được phép chuyển dữ liệu cũng như hệ thống theo dõi để phát giác việc tiếp cận hay sử dụng dữ liệu một cách bất thường.

Bộ này cũng đào tạo các nhân viên chuyên xác định và ngăn chặn cái gọi là "mối đe dọa nội bộ".

(TTXVN/Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm