Xác nghi phạm đánh bom Boston "nên được đưa về Nga"

Xác nghi phạm đánh bom Boston "nên được đưa về Nga" ảnh 1

Nghi phạm đánh bom Boston Tamerlan Tsarnaev. Ảnh: ABC News

Peter Stefan, giám đốc một nhà tang lễ ở Massachusetts, nơi đang đặt thi thể Tamerlan Tsarnaev, nói rằng nghi phạm đánh bom nên được đưa về chôn cất ở Nga.

"Tôi nghĩ rằng nên như vậy, tôi nghĩ rằng cậu ấy nên được đưa về Nga, vì mọi người, vì bố mẹ cậu ấy, vì chú của cậu ấy, như vậy sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Tới thời điểm này, tôi đã làm tất cả những gì có thể. Thi thể đã được làm sạch, đã sẵn sàng để chôn cất", Reuters dẫn lời ông Stefan nói.

Tsarnaev bị bắn chết trong cuộc truy đuổi của cảnh sát 4 ngày sau khi xảy ra vụ đánh bom bằng nồi áp suất vào cuộc thi chạy ở Boston, làm ba người chết, 264 người bị thương. Em trai của y, Dzhokhar Tsarnaev, bị thương và đang nằm trong bệnh xá của nhà tù.

Vợ của Tarleman, Katherine Russell, từ chối nhận xác chồng và nói gia đình Tsarnaev nên nhận lại xác và tổ chức đám tang cho y. Tuy nhiên, gia đình Tsarnaev không có nhiều người ở Mỹ.

"Là mẹ của của Tamerlan, bất chấp những gì cậu ấy đã làm, bà ấy vẫn mong muốn đón con trở về, và cha cậu ấy cũng vậy. Bất kể cậu ấy đã làm gì, tôi nghĩ như vậy tất cả mọi chuyện sẽ được dàn xếp ổn thỏa", Stefan nói.

Stefan cho biết chính bản thân bà Zubeidat Tsarnaeva, cũng muốn xác con trai được đưa về Nga, nơi sinh của Tarmelan và là nơi vợ chồng bà sống sau khi trở về từ Mỹ. Chỉ có chú của Tarmelan cho rằng cháu mình cần được chôn ở Massachusetts vì Tarmelan đã sống ở đây hơn chục năm.

Trước đó, nhiều nhà tang lễ từ chối tổ chức lễ tang cho Tamerlan cho đến khi cơ sở của ông Stephan nhận lời. "Chúng tôi đã tuyên thệ sẽ làm việc này. Tôi có thể chọn không? Không. Tôi có thể tách tội lỗi ra khỏi tội đồ không? Không". Tuy nhiên, vẫn có nhiều người biểu tình bên ngoài nhà tang lễ của ông.

Stefan cũng muốn chính quyền giúp tìm đất để chôn Tamerlan nhưng Thống đốc bang Massachusetts Deval Patrick nói rằng "đó là việc của gia đình". Người quản lý nghĩa trang của thành phố cũng phản đối việc chôn nghi phạm tại đây vì lo ngại thành phố "sẽ bị ảnh hưởng bởi những cuộc biểu tình hay sự xuất hiện dày đặc trên phương tiện truyền thông".

Theo giáo lý đạo Hồi, xác của Tarmelan cũng không thể hỏa táng mà phải được chôn dưới đất, người phát ngôn của Hội đồng người Hồi giáo ở Mỹ Yasmin Nouh cho hay.

Vấn đề là ở chỗ Tsarnaev không giống như những người chết vì bệnh tật hay tâm thần. Vì là nghi phạm vụ đánh bom, mọi người coi y là "quỷ dữ" và xã hội "không thể tha thứ hoặc lãng quên", James Alan Fox, một chuyên gia nghiên cứu tội phạm ở đại học Northeastern ở Boston, nói.

Gia đình những tội phạm kiểu này thường đặt bia mộ vô danh để tránh sự chú ý của công chúng. Osama bin Laden, kẻ được cho là chủ mưu vụ khủng bố 11/9, được chôn cất trên biển, được làm lễ theo phong tục của đạo Hồi, sau khi bị bắn chết năm 2011.

Theo Vũ Hà (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm