Xung đột lao động nhập cư

Sáng sớm 9-1, khoảng 250 lao động nhập cư từ Rosarno đã chuyển sang Crotone thuộc tỉnh Reggio Calabria (vùng Calabria ở miền Nam nước Ý) để tiếp tục biểu tình.

Sự việc bắt đầu từ tối 7-1 tại Rosarno. Một số thanh niên địa phương đã dùng súng trường bắn vào dân lao động nhập cư trên đường về nhà sau ngày làm việc làm hai người bị thương. Sau đó, hàng chục lao động nhập cư, chủ yếu là người châu Phi, đã xuống đường biểu tình yêu cầu chính quyền tăng cường bảo vệ và cải thiện điều kiện sống.

Biểu tình nhanh chóng biến thành bạo động. Hàng trăm xe hơi, cửa hàng, thùng rác trên phố bị đập phá. Cảnh sát can thiệp. Xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình xảy ra.

Xung đột lao động nhập cư ảnh 1

Lao động nhập cư cãi nhau với dân địa phương ở Rosarno ngày 8-1. Ảnh: REUTERS

Sang 8-1, khoảng 2.000 lao động nhập cư đã biểu tình ngồi ở trung tâm Rosarno và hô to khẩu hiệu:“Chúng tôi không phải là súc vật”. Trường học và cửa hàng không mở cửa. Nhiều người dân đóng cửa trong nhà cố thủ. Tối cùng ngày, khoảng 100 người dân địa phương đã dùng dùi cui, gậy kim loại và xăng tấn công lao động nhập cư, thậm chí lái xe hơi định tông họ.

Theo Bộ Nội vụ Ý, trong hai ngày bạo động đã có 19 lao động nhập cư và 18 cảnh sát bị thương. Cảnh sát đã bắt giữ hàng chục người, trong đó có một số người dân địa phương.

Tổng thống Ý Giorgio Napolitano đã kêu gọi nhanh chóng chấm dứt bạo lực. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Roberto Maroni nhận định căng thẳng xảy ra do chính phủ nhân nhượng quá nhiều trong việc kiềm chế lao động nhập cư vào Ý. Ông tuyên bố đã điều động lực lượng đặc nhiệm để kiểm soát tình hình.

Ngày 8-1, người phát ngôn Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) ở Ý bày tỏ lo ngại sẽ diễn ra cuộc săn đuổi lao động nhập cư. UNHCR cho biết đã gửi một toán nhân viên đến Rosarno và cho rằng cần phải cải thiện ngay điều kiện sống cho lao động nhập cư.

Khoảng 1.500 lao động nhập cư tại Rosarno chủ yếu làm công nhật với công việc hái rau quả. Họ sống chen chúc trong các nhà xưởng bỏ hoang bẩn thỉu, không điện, nước, không nhà vệ sinh, rất dễ trở thành nạn nhân của các băng đảng.

Theo thống kê của tổ chức từ thiện quốc tế Caritas, lao động nhập cư ở Ý gần 5 triệu người, chiếm 7,2% dân số, trong đó 90% là nhập cư hợp pháp. Giải quyết vấn đề dân nhập cư là vấn đề ưu tiên của chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi vốn bị chỉ trích có xu hướng phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử với lao động nhập cư.

Thời gian qua, Ý cương quyết ngăn chặn dòng người nhập cư từ các nước Bắc Phi, đặc biệt từ Libya. Theo một thỏa thuận mới với Libya, Ý có quyền không cho tàu chở người nhập cư Libya vào Ý và trục xuất ra biển.

Ngày 8-1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ý Mariastella Gelmini cho biết đến đầu năm học mới vào tháng 9 tới sẽ hạn chế mỗi lớp tối đa 30% học sinh là người nhập cư nước ngoài và dần dần xóa các lớp học có sĩ số 100% là học sinh nhập cư nước ngoài. Rất nhiều học sinh có cha mẹ là dân nhập cư nước ngoài không có tư cách công dân Ý vì Ý chỉ chứng nhận quyền công dân cho người có dòng máu Ý chứ không căn cứ nơi sinh. Hiện có 690.000 học sinh là dân nhập cư từ 190 nước đang học ở Ý. 35% trong số này sinh tại Ý.

THIÊN ÂN (Theo AFP, Xinhua, The Star)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm