Quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư 80.000 tỷ

Thông tin này được đưa ra tại “Đối thoại chính sách giúp DN vượt qua khó khăn do COVID-19” vừa tổ chức tại Vĩnh Phúc. Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các bên liên quan tổ chức đối thoại này.

Chính sách hay nhưng khó tiếp cận

Bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc khi trình bày về “Thực trạng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với DN ảnh hưởng đại dịch COVID-19” cho hay:

"Chính Phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương đã nhanh chóng, tích cực vào cuộc, xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ rất kịp thời; đã tạo điều kiện thuận lợi cho rất nhiều doanh nghiệp (DN) ổn định, duy trì, hồi phục và tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, việc tiếp cận và tận dụng hiệu quả các chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn đối với phần lớn DN”.

Các cơ quan về thuế, ngân hàng, đã có những chính sách giảm, miễn, hoãn… các nghĩa vụ cho DN. Đồng thời, các cơ quan hữu quan tại Vĩnh Phúc đã phối hợp tuyên truyền pháp luật, trả lời kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị "TLĐ miễn kinh phí công đoàn" trong thời gian dịch COVID-19. Ảnh: VCCI

Tuy nhiên, theo bà Thủy, đối với lĩnh vực hỗ trợ người lao động đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm với DN như  số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN…

“Các điều kiện kèm theo đó rất ít DN có thể đáp ứng được để có nguồn tài chính hỗ trợ từ phía nhà nước vì quá khó và chặt chẽ. Trong các văn bản sửa đổi và hướng dẫn Chính phủ chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện đảm bảo để nhận hỗ trợ. Như vậy, có thể nhận thấy, chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống”, bà Thủy nói.

Bà Thủy đại diện các DN Vĩnh Phúc đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất. trong đó, đối với lĩnh vực lao động, bà Thủy đề nghị “Tổng liên đoàn miễn kinh phí công đoàn chiếm 2% lương cho DN trong thời gian dịch bệnh”. Bà Thủy cũng kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo “giãn nợ BHXH và không tính tiền chậm nộp cho các DN gặp khó khăn trong thời gian diễn ra dịch bệnh”.

87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn trong phần tình bày về “tác động của đại dịch COVID-19” cho hay: Có tới 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” do dịch COVID-19, trong đó có 72,6% DN cho cho biết ảnh hưởng của dịch COVID-19 “phần lớn là tiêu cực” 

Cho rằng các gói hỗ trợ của Chính phủ đã được ban hành nhưng DN tiếp cận là khá khó khăn, ông Tuấn nói nhà nước cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi chính sách để tạo thuận lợi cho các DN.

Ông Đậu Anh Tuấn nói cần có các hướng dẫn chi tiết, đơn giản, dễ thực hiện để các DN tiếp cận được các chính sách hỗ trợ. Ảnh: HUYỀN TRANG

“Cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đẩy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các DN. Đặc biệt, cần nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các DN duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ cho người lao động”, ông Tuấn nói.

Về chính sách “gia hạn đóng kinh phí công đoàn”, ông Tuấn nói, các DN tiếp tục đề xuất gia hạn hoặc giảm khoản đóng góp này cùng với phí BHXH, các chi phí điện, nước và giá, phí thuê đất do Nhà nước quản lý.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư 80.000 tỷ đồng

Ông Lê Đình Quảng, Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) cho hay: cơ quan này đang vận động 75.000 sáng kiến giúp DN vượt qua khó khăn.

Về hỗ trợ trực tiếp thì TLĐ đã thực hiện 2 lần. Lần thứ 1 hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) gặp khó khăn do COVID-19 vào tháng 5 và 6-2020, mỗi người 500.000, tổng số tiền hỗ trợ là 657 tỷ.

Lần thứ 2 hỗ trợ vào dịp tết nguyên đán, trung bình 1 triệu đồng/người, trường hợp khó khăn hỗ trợ 2 triệu đồng/người. Tổng số hỗ trợ đợt này là gần 140 tỷ từ nguồn tài chính công đoàn.

Ông Lê Đình Quảng thông tin có 200 DN làm thủ tục lùi thời gian đóng kinh phí công đoàn. Ảnh: VCCI

Về chính sách, thực hiện lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn, ông Quảng cho biết: “Hiện nay có gần 200 DN làm thủ tục xin lùi. Theo báo cáo của các địa phương, nhiều DN không đóng kinh phí công đoàn nhưng không làm thủ tục xin lùi”.

Ông Quảng cũng nói TLĐ tham gia rất “nhiệt tình” trong việc tham mưu và thực hiện các chính sách của Chính phủ.

Tại hội thảo, ông Quảng đưa ra nhiều đề xuất, trong đó có đề xuất phối hợp với VCCI để kiến nghị giảm hoặc miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp. Bởi quy định hiện nay là DN đóng 1%, người lao động đóng 1% bảo hiểm thất nghiệp trong khi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư hơn 80.000 tỷ.

Đề nghị miễn thuế cá nhân khoản trợ cấp người mất việc

 

Một số đề xuất của đại diện TLĐ

+ Bổ sung những trường hợp khó khăn cần hỗ trợ trực tiếp như: người lao động phải thuê nhà, nuôi con nhỏ…

+ Tăng cường chính sách hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho người lao động từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ một số doanh nghiệp chuyển đổi mô hình, ngành nghề cần đào tạo nghề.

+ Hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho NLĐ nghỉ việc không hưởng lương.

+ Miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động bị mất việc, tạm dừng việc vì COVID-19.

+ Miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng Quỹ phòng, chống thiên tai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm