Quy định diện tích nhà ở để nhập hộ khẩu: Đánh giá tính khả thi trước khi thực hiện

Về mặt nội dung, Sở Tư pháp cho rằng đề xuất của Sở Xây dựng tại tờ trình dự thảo là có cơ sở, phù hợp với định hướng phát triển của TP. “Tuy nhiên, do quy định này ảnh hưởng trực tiếp đời sống của người dân TP nên đề nghị Sở Xây dựng nghiên cứu, cân nhắc, bổ sung thêm nội dung giải trình để UBND TP trình HĐND TP xem xét thông qua” - Sở góp ý.

Theo đó, Sở Xây dựng cần giải trình rõ thêm về cách tính, nguồn số liệu được sử dụng để tính toán ra các diện tích đề xuất như đã nêu tại tờ trình. Sở Xây dựng cũng cần bổ sung các số liệu thống kê về diện tích nhà ở tối thiểu, số lượng người ở bình quân trong một căn nhà, so sánh diện tích sàn nhà ở trên tổng số giấy phép xây dựng đã cấp và diện tích sàn nhà ở thực tế đang được sử dụng, mật độ dân số các khu vực trên địa bàn TP... Từ đó mới có cơ sở chứng minh và đảm bảo rằng diện tích bình quân do sở này đề xuất là có cơ sở thực tế, đảm bảo tính xác thực. “Đồng thời, Sở Xây dựng nên đánh giá tính khả thi trên thực tế và sự ảnh hưởng của đề xuất này đối với đời sống người dân để UBND TP có cơ sở xem xét trình HĐND TP” - Sở Tư pháp cho biết.

Trước đó, tại dự thảo về diện tích nhà ở bình quân để đăng ký hộ khẩu thường trú vào nhà ở thuê/ở nhờ tại TP, Sở Xây dựng đề xuất hai mức diện tích tùy khu vực. Khu vực 1 gồm 19 quận, là địa bàn có mật độ cao thì diện tích nhà ở bình quân là 16 m2/người. Khu vực 2 gồm các huyện mật độ dân thấp thì áp dụng mức 8 m2/người. “Quy định này áp dụng cho trường hợp người ở nhờ, thuê, mượn muốn nhập hộ khẩu. Không áp dụng cho các trường hợp có mối quan hệ trực hệ như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con” - Sở Xây dựng lưu ý.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới