Quyền mua nhà của người nước ngoài: Nới rộng quá!

Ngày 18-6, thảo luận tại hội trường Quốc hội (QH) về dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng việc mở rộng cửa cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ làm ảnh hưởng đến quyền có nhà ở của người dân trong nước.

Theo ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM), đối với người dân trong nước nhu cầu về nhà ở rất lớn nhưng điều kiện tạo lập nhà ở còn khó khăn. Vì thế, cần quy định hạn chế thấp hơn nữa đối với số lượng nhà ở hay khu vực mà cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Cụ thể, trong điều kiện về thời hạn cư trú tại Việt Nam, chỉ cho những cá nhân cư trú tại Việt Nam hoặc có thẻ tạm trú từ năm tháng trở lên mới được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Hoặc quy định chỉ cho phép sở hữu 20% căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại, 100 căn nhà ở liền kề, nhà biệt thự trên cùng một địa bàn phường.

Tán thành với quy định mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở nhằm thu hút nhân tài, nguồn lực, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cũng đưa ra một số lưu ý. Theo bà, cần phải bổ sung các quy định chặt chẽ để tránh sự cạnh tranh với các đối tượng trong nước có nhu cầu về nhà ở thực sự cũng như để đảm bảo về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Tương tự, đối với Luật Kinh doanh bất động sản, nhiều ĐB cũng đề nghị “cần phải bổ sung những quy định chặt chẽ đối với việc cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được tham gia kinh doanh, trong đó không cho phép tham gia kinh doanh tại các vị trí nhạy cảm, bảo đảm an ninh quốc gia”.

Mội nội dung khác cũng được các ĐB quan tâm thảo luận là chính sách phát triển nhà ở công vụ. Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), việc quản lý, sử dụng nhà công vụ thời gian qua còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn vẫn được ở nhà công vụ. Do đó, ông Vinh đề nghị chỉ quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Các đối tượng còn lại nghiên cứu theo hướng khoán đưa vào tiền lương để họ tự lo về nhà ở. Như thế vừa tiết kiệm chi phí, vừa chấm dứt tình trạng biến tướng nhà công vụ chuyển thành nhà ở cá nhân.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đặt vấn đề: Cần công khai, minh bạch các tiêu chuẩn ai được quyền cấp nhà công vụ, ở cấp nào thì được bao nhiêu mét vuông, loại nhà gì để tránh tình trạng người 3-4 nhà ở, trong khi đó nhiều cán bộ lại không có, sinh ra xin cho, chạy chọt…

THÀNH VĂN

Sai phạm trong đầu tư công sẽ bị xử hình sự

Cùng ngày, với đa số phiếu tán thành, QH đã chính thức thông qua Luật Xây dựng sửa đổi và Luật Đầu tư công. Theo đó, Luật Đầu tư công đã bổ sung các quy định công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư. Đồng thời chỉnh sửa quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công theo hướng các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra còn phải bồi thường thiệt hại tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm