Ngày 15-6, TAND quận 7, TP.HCM tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà T., tuyên hủy quyết định sa thải của một công ty có trụ sở ở quận này đối với bà. HĐXX còn buộc công ty phải bồi thường cho bà T. sáu tháng lương là 226 triệu đồng (sau khi trừ đi 14 triệu đồng công ty đã thanh toán trước đó).
Kỷ luật không đúng
HĐXX nhận định công ty cho rằng bà T. nghỉ liên tục thường xuyên từ năm ngày/tháng, nghỉ không xin phép theo quy định của công ty, ngủ trong giờ làm việc. Bà T. còn có hành vi nhắn tin đe dọa đồng nghiệp, gây mất đoàn kết trong công ty, làm việc không đạt chất lượng theo yêu cầu. Từ đó công ty đã ra quyết định xử lý kỷ luật lao động bà T. với hình thức buộc sa thải. Tuy nhiên, công ty lại không lập biên bản vi phạm đối với những hành vi này.
Công ty hai lần gửi email mời bà T. đến họp xử lý kỷ luật vào ngày 4-10-2017 và 11-10-2017, sau đó một ngày, công ty mở cuộc họp xem xét kỷ luật bà T. Việc công ty thông báo hai lần bằng email và chỉ thông báo trước một ngày trước khi họp là vi phạm Điều 30 Nghị định 05/2015 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2012 về quy trình xử lý kỷ luật lao động).
Theo đó, người sử dụng lao động phải thông báo ít nhất năm ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp và phải thông báo ba lần bằng văn bản.
Mặt khác, theo Điều 123 và 155 Bộ luật Lao động, không được xử lý kỷ luật lao động đối với phụ nữ đang mang thai. Từ đó, HĐXX nhận định công ty ra quyết định sa thải bà T. là trái luật.
Theo HĐXX, hậu quả của việc sa thải trái pháp luật được quy định tại Điều 33 Nghị định 05/2015 nêu trên. Vì thế người sử dụng lao động phải khôi phục quyền và lợi ích của người lao động bị vi phạm do quyết định xử lý kỷ luật. Nếu kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải trái pháp luật thì người sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Từ đó HĐXX chấp nhận các yêu cầu của nguyên đơn.
Bà T. (nguyên đơn) đang trình bày tại tòa. Ảnh: YC
“Kiện để công ty thấy cái sai”
Trong ba yêu cầu khởi kiện mà bà T. đã rút, đối với yêu cầu buộc công ty đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, HĐXX nhận định rằng hợp đồng lao động của bà T. có thời hạn một năm thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc. Vì thế cả bà T. và công ty phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
HĐXX đồng tình với quan điểm của đại diện VKS là chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T. Xét các chứng cứ có trong hồ sơ và lời trình bày của bị đơn tại tòa là mâu thuẫn, không có cơ sở nên HĐXX không chấp nhận.
Cuối cùng, HĐXX đã tuyên án như trên. Ngoài ra, tòa còn buộc bà T. và công ty phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định. Do công ty thua kiện nên có nghĩa vụ đóng án phí hơn 6 triệu đồng.
Trước đó, tòa từng mở phiên xử lần đầu hồi tháng 5 nhưng đại diện công ty xin hoãn. Ngày 4-6, tòa mở lại nhưng phía công ty vẫn vắng mặt và luật sư của công ty có đơn xin hoãn xử để có thời gian nghiên cứu hồ sơ. Mở phiên tòa lần này, phía công ty vẫn không có mặt nên tòa quyết định xử vắng mặt bị đơn.
Sau khi tòa tuyên án, bà T. vui mừng và gọi điện thoại thông báo cho người thân và bạn bè. Bà T. nói: “Tôi đã trải qua thời kỳ hết sức khó khăn khi đang mang bầu thì bị công ty sa thải, rồi khi làm mẹ đơn thân vẫn phải bỏ thời gian, công sức theo đuổi vụ kiện. Tôi kiện không chỉ để đòi quyền lợi cho mình mà còn để cho công ty thấy cái sai của họ”.
Sa thải nữ giám đốc đang mang thai Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, bà T. vào làm giám đốc một chi nhánh của công ty theo hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng (từ tháng 4-2017 tới tháng 4-2018) với mức lương 40 triệu đồng/tháng. Tháng 10-2017, lúc bà đang mang thai tháng thứ năm thì công ty thông báo tạm đình chỉ công việc một tháng để tiến hành xử lý kỷ luật. Sau đó công ty ra quyết định sa thải bà vì nhiều lý do như đi trễ về sớm không xin phép, ngủ trong giờ làm việc, nói xấu cấp trên gây ảnh hưởng chia rẽ đồng nghiệp… Bà T. khởi kiện yêu cầu hủy bỏ quyết định sa thải, bồi thường sáu tháng lương là 240 triệu đồng (hai tháng do sa thải trái pháp luật và bốn tháng cho những ngày bà không được làm việc). |