Người Sài Gòn và chữ ‘tình’

Những người giàu đi làm từ thiện giúp bệnh nhân nghèo đã rất đáng quý. Nhưng có những người không phải giàu có gì, vậy mà hễ làm dư đồng nào là họ cho bệnh nhân nghèo tiền chữa bệnh, tiền ăn uống. Ở đất Sài Gòn, người sẵn lòng san sẻ cho nhau miếng cơm, đồng bạc lẻ ít ỏi có được để người khác vượt qua bệnh tật nhiều lắm, kể không hết đâu!

1. Giữa năm trước, tôi được cơ quan chỉ đạo phối hợp cùng phóng viên thường trú giúp đỡ bé Nguyễn Hữu Khang (29 tháng tuổi, ngụ Phú Quý, Bình Thuận) mổ thoát vị bẹn nhưng bị tai biến liệt, mù mắt, phải chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.

Tôi còn nhớ như in đôi mắt vô hồn của bé Khang lúc ấy và sự lo lắng, đau khổ tột cùng của người mẹ đang bế đứa con ấy trên tay. Trong hoàn cảnh đó, hoàn cảnh một gia đình nghèo túng bỗng dưng gặp họa giữa đường và tai họa ấy có thể kéo dài dai dẳng, khó có ai đứng vững được nếu không có những bàn tay nhân ái tiếp sức.

Khi bé Khang đến Sài Gòn, tôi đề nghị ThS-BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, giúp đỡ, chị vui vẻ đồng ý ngay. BS Liên là người trực tiếp khám cho bé Khang và chỉ đạo điều trị, tập vật lý trị liệu cho bé. Rồi cử nhân Hoàng Văn Quyên, khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng BV Nhi đồng 1, khi nghe tin bé Khang bị tai nạn trong mổ, anh đã khám kỹ càng, nhẹ nhàng từng động tác lấy lại các gân, cơ, thần kinh cho bé. Anh chỉ bảo tận tình, chi li để người mẹ khi về nhà có thể tự tập cho bé.

Khi tôi đang theo dõi bé Khang tập vật lý trị liệu, một người thân hình khá vạm vỡ, đầu đội nón kết bệ vệ bước xuống từ chiếc xe hơi đậu bên kia đường Lý Thái Tổ, đối diện BV Nhi đồng 1. Anh vào ngồi dãy ghế chờ của phụ huynh và quan sát bé Khang từ xa. Tôi cũng chẳng để ý tới anh ta, cho đến khi bé Khang tập xong và được mẹ bế ra bên ngoài. Anh bước đến cầm tay người mẹ và dúi vào một bì thư, nói là của anh và bạn bè cho bé Khang. Người mẹ thôn quê rụt rè cầm bì thư và cảm ơn, có lẽ đây là lần đầu tiên chị được một người lạ, lại khá điển trai cho tiền.

Vị ân nhân không nói mình là ai mà chúc gia đình vượt qua nỗi đau, cố gắng lo cho bé hồi phục. Anh cũng hứa sẽ kêu gọi anh chị em, bạn bè thân hữu đóng góp lo cho cháu chữa trị. Thấy tôi cũng vừa ra tới, anh bèn rủ tôi ra trước cổng bệnh viện uống nước mía. Nghe anh giới thiệu mình là… diễn viên Lê Tuấn Anh (nickname Lão Già Điên), tôi mới ngớ người ra, quên cả xin chữ ký. Anh cười xua tay: Giải nghệ lâu rồi em trai!

Lê Tuấn Anh thế đấy, sinh ra ở Hà Nội nhưng lập nghiệp ở đất Sài Gòn và “nhiễm” luôn cái tính phóng khoáng của người Nam Bộ. Sau này, nhiều lần, hễ thấy tôi kể có bệnh nhân này nghèo, bệnh nhân kia cần giúp đỡ là anh rút hầu bao, nói ngay: Chú chuyển giúp anh. Không những thế, anh còn vận động bạn bè chung tay, góp sức. Số tiền anh đưa, tôi cũng chẳng cần phải báo cáo lại đã chi cho ai, chi bao nhiêu…, bởi chúng tôi hiểu nhau quá rồi!

Các bạn học sinh đang trao quà tết cho bệnh nhân điều trị tại BV Chợ Rẫy.

2. Chị tôi, dân Đắk Lắk nhưng sống ở Sài Gòn lâu lắm rồi. Nhà chỉ đủ ăn, đủ mặc nhưng cứ làm ăn dư một tí là chị mang tiền đó cho người nghèo. Trung bình mỗi năm chị đưa cho tôi vài chục triệu đồng và bảo: Em vào bệnh viện, thấy ai khổ quá, nghèo quá thì giúp đỡ họ giùm chị.

Năm ngoái, cận tết, tôi cầm trong tay 20 triệu đồng chị đưa đi đến BV Chợ Rẫy, BV Nhi đồng 1, BV Bệnh nhiệt đới, BV Ung bướu… Hễ nghe giới thiệu ai nghèo, không đủ tiền đóng viện phí là tôi thay chị tặng hai triệu đồng để họ có cái mà lo tết. Về nhà, chị cũng chẳng hỏi tôi cho ai, cho như thế nào. Năm nay cũng vậy, nhờ số tiền ít ỏi của chị mà nhiều bệnh nhân, thân nhân có cái ăn, có tiền mua vé xe về quê ăn tết.

Những tấm lòng như Lê Tuấn Anh, như chị tôi, ở đất Sài Gòn này nhiều lắm. Mới tháng trước thôi, một công nhân bị tai nạn phải vào BV Nhân dân 115 cấp cứu. Tôi nghe tin chạy tới thì đã thấy hai chị phụ nữ mang tiền vào giúp đỡ cho anh. Họ không xưng danh, không đòi ký nhận, không ra điều kiện gì cả. Trao tiền xong, họ chúc anh chóng mạnh khỏe rồi ra về. Hay khi nghe thông tin một bệnh nhân bị bướu cổ không có tiền nằm bệnh viện, phải ăn xin bên lề đường, nhiều người tức tốc chạy vào BV Ung bướu xin thông tin bệnh nhân, rồi đóng luôn viện phí cho bệnh nhân.

Hoặc như chuyện bé Nguyễn Quốc Huy bị tai nạn văng ra khỏi bụng mẹ mất một chân. Người Sài Gòn và nhiều nơi khác nữa gom góp cho bé nhiều lắm, đến gần bốn tỷ đồng. Vậy nhưng họ vẫn rất buồn, nhiều người bảo dù có cho cháu bao nhiêu tiền đi nữa cũng chẳng thay thế được cái chân cho cháu đâu!

Diễn viên Lê Tuấn Anh động viên mẹ con bé Khang.

3. Người sống ở đất Sài Gòn ngộ lắm, cho tiền bệnh nhân thông qua người khác chẳng cần hỏi nguyên do, chỉ cần họ tin và thấy rằng hoàn cảnh đáng để giúp thôi!

Khi đi công tác ở một số tỉnh, người dân tâm sự với tôi: Thật nể dân Sài Gòn, đến đây làm từ thiện đa phần tới từ Sài Gòn chứ chẳng phải dân đâu khác! Tôi bảo: Người Sài Gòn không giàu tiền bạc lắm đâu nhưng tình nghĩa thì rất giàu. Người có của góp của, người không có của nhưng có sức khỏe thì góp công, góp sức mang đến sự chia sẻ, hạnh phúc cho người khác, thế đấy!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Sài Gòn Ðêm nghe tiếng bolero

Sài Gòn Ðêm nghe tiếng bolero

(PL)- Đã hơn nửa thế kỷ, bolero luôn tồn tại trên mọi nẻo đường Sài Gòn và được mọi người chào đón như bạn tri âm.
Sài Gòn và ẩm thực ‘nhập gia tùy tục’

Sài Gòn và ẩm thực ‘nhập gia tùy tục’

(PL)- Cách thức người Sài Gòn tiếp biến những món ăn lạ với gu và nguyên liệu địa phương đã làm nên một phong cách ẩm thực rất riêng, thậm chí khác hẳn so với nguyên bản.
Người Sài Gòn và tình yêu sách

Người Sài Gòn và tình yêu sách

(PL)- Tình yêu sách của người Sài Gòn-TP.HCM, trải bao vật đổi sao dời, hầu như vẫn không suy suyển. Đó mãi là một thước đo thẩm định phẩm chất văn hóa và khát vọng đổi mới của thành phố này.
Cuốc xe ôm sáng mùng một tết

Cuốc xe ôm sáng mùng một tết

(PL)- Cả năm mới được vài ngày Sài Gòn vắng vẻ, chạy xe một vòng để thấy đời mình cũng có lúc thư thái, ung dung.
3 note nhỏ cho Sài Gòn của tôi

3 note nhỏ cho Sài Gòn của tôi

(PL)- Cho dù vật đổi sao dời thì Sài Gòn vẫn còn nguyên cốt cách của mình: bình dị mà lịch lãm, êm ả nhưng sục sôi, hiện đại mà hoài cổ...
Người Sài Gòn Anh là ai?

Người Sài Gòn Anh là ai?

(PL)- Những ly rượu đế đối với người Sài Gòn có khi còn đậm đà hơn những chai rượu Tây sang trọng. Cái quý không phải ly rượu, đĩa mồi mà là cái tình với nhau.
Gam màu nào cho Sài Gòn?

Gam màu nào cho Sài Gòn?

(PL)- Người Sài Gòn lâu nay vẫn định hình màu sắc đô thị mình sống là hòa trộn giữa màu tường vàng của những kiến trúc thuộc địa, màu ngói đỏ của ngôi chợ rêu phong hay màu gạch đỏ ấm áp của ngôi giáo đường cổ kính.