Sài Gòn Ðêm nghe tiếng bolero

Đến phương Nam là phải nghe bolero. Phải nghe những câu chuyện truyền kỳ, những nỗi buồn về tình yêu qua giọng hát luôn đậm chất thơ của người miền Nam.

Mỗi thành phố trên thế giới đều có một tên gọi riêng, ngoài tên gọi địa lý hành chính. Những tên gọi như vậy thường có được qua năm tháng bởi tính cách, sản vật, văn hóa… rất đặc trưng của nó. Nhưng tên gọi thành phố gắn liền với âm nhạc thường không nhiều – vì không dễ có. Người ta thường nói đến Lousiana với nhạc jazz, Nashville với nhạc đồng quê, Paris với tình ca… Và Sài Gòn thường được gắn liền với bolero.

1. Tới Sài Gòn, dễ nhận ra nhất là tiếng nhạc bolero có thể vang lên ở mọi nẻo đường. Tiếng nhạc có khi vẳng ra từ phòng khách của một căn nhà nào đó, hoặc cũng có thể vút lên từ một cái loa thùng cũ nát của người bán kẹo kéo. Đặc biệt khi một nhóm bạn bè ngồi với nhau, trò chuyện đôi câu mà có cây guitar bên cạnh thì thể nào bolero cũng trở thành cầu nối của tâm tình, của gật gù cảm nhận và khơi dòng tâm sự.

Thành phố phương Nam có hai loại đặc sản âm nhạc: Cải lương và bolero, nhưng bolero do sự phong phú và tính dễ trình bày nên thịnh hành hơn. Từ miền Nam lan đi, giờ thì ở mọi nơi trên nước Việt Nam, ai ai cũng quen thuộc với những làn điệu trữ tình của bolero. Ngay tại Hà Nội, mỗi đêm, vòng quanh các bờ hồ cũng không thiếu những nhóm thanh niên, trung niên mang loa, đàn, micro ra hát những tình khúc của Lam Phương, Minh Kỳ, Vinh Sử…

2. Rất nhiều người thắc mắc bolero có mặt ở miền Nam từ khi nào, tên gọi bình dân “nhạc sến” của nó là từ đâu. Người ta đã tốn nhiều giấy mực để đồn đoán và tranh cãi không dứt.

Bolero là tên gọi một nhịp điệu khởi nguyên do vũ sư Sebastian Zerezo sáng tạo ra, thịnh hành tại Cádiz, Tây Ban Nha vào những năm 1780. Rất nhiều salon giải trí của giới quý tộc thời đó thích thú và yêu cầu thể loại này. Cuba là một trong những quốc gia phát triển mạnh nhịp điệu này cùng với các bộ gõ tay. Nhưng khi đến Việt Nam, bolero đã chuyển lại thành một kiểu cách khá riêng biệt, chậm rãi hơn và phù hợp cho ban nhạc nhỏ trình diễn. Điều đáng nói, nhịp (tempo) của bolero rất gần với nhịp của cải lương. Mặc dù vẫn có những bài bolero nhịp nhanh hơn, sôi nổi nhưng loại bài hát chậm và thong thả vẫn luôn được khán giả ưa thích nhiều hơn.

Từ đầu thập niên 50, thế kỷ XX, tân nhạc Việt Nam phát triển mạnh, đặc biệt là dòng bolero ở miền Nam. Theo nhiều dữ kiện lịch sử âm nhạc của miền Nam ghi lại, bài Duyên quê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, sáng tác năm 1955, là một trong những tác phẩm tân nhạc – được chơi theo kiểu bolero – khởi đầu cho dòng nhạc này. Có thể đã có nhiều bài bolero ra đời vào thời điểm đó, nhưng năm 1956 khi được in đĩa nhựa 33 vòng, bài Duyên quê trở thành “hit” trong công chúng và được ghi nhận như một trường hợp điển hình, đáng nhớ. Lối viết ca khúc gần gũi, pha trộn âm điệu dân nhạc Quảng Trị của người nhạc sĩ kỳ tài này cùng nội dung về thôn quê đẹp đẽ đã khiến người Việt thời đó mê mẩn và hát theo vào mỗi buổi chiều nghe đài phát thanh.

Cùng thời kỳ này, các bài hát bolero của các nhạc sĩ tài danh ở Sài Gòn cũng bùng phát, mở màn cho kỷ nguyên bolero miền Nam. Các bài hát như Trăng về thôn giã (Hoài An), Về miền Tây (Y Vân & Văn Thế Bảo), Sông núi miền Nam (Cô Hương Huyền Trinh), Tiếng hai đêm (Hoàng Nhân)… cũng được sự trợ giúp của các chương trình phát thanh gửi đi khắp nơi, tạo thành một không gian âm nhạc mới mẻ và hấp dẫn giới trẻ.

Dù nền âm nhạc Việt Nam vẫn có nhiều nhạc sĩ viết theo nhạc pháp Tây học như Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Dương Thiệu Tước, Cung Tiến… nhưng đa số khán giả vẫn thích những nội dung và nhạc ngữ khuynh hướng thuần Việt. Cũng từ việc nhìn thấy được cảm quan của khán giả mà nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mở rộng hơn, cho ra mắt dòng country pop Việt Nam với các tác phẩm như Chuyện tình nàng trinh nữ tên Thi, Chuyện tình Mộng Thường… mà sau này, thừa kế từ đó, ra đời dòng nhạc quê hương trữ tình hiện nay.

Nhóm bạn trẻ hát nhạc bolero trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: H.T.G

3. Nói về bolero, có vẻ như là một định danh thống nhất - tạm thời cho dòng nhạc này, người ta vẫn hay dùng một cái tên phổ biến khác, nhạc “sến”. Giáo sư Cao Xuân Hạo phỏng đoán do tính cách nhạc bình dân, thứ dân, nên có thể liên quan đến từ “con sen”. Tuy nhiên, điều đó không thích hợp bởi miền Nam không dùng từ “con sen”, nếu có thì là “con ở”. Cũng có người nghĩ rằng chữ “sến” dính liền đến chữ “cent” - đơn vị tiền tệ của Mỹ để chỉ tính rẻ tiền của dòng nhạc này, hoặc chữ sến - là tên của cây đàn sến.

Theo những dữ liệu đáng tin cậy nhất, chữ “sến” này bắt nguồn từ cách đọc nhại đi của nữ diễn viên phim tình yêu diễm lệ, người Áo Maria Schell (tên đầy đủ là Maria Margarethe Anna Schell, 1926-2005). Trong những ngày đầu màn ảnh chớp bóng xuất hiện ở Sài Gòn, các bộ phim của nữ diễn viên này được coi như là những chuyện tình Quỳnh Dao của phương Tây – như Die Letzte Bruecke, As Long As You’re Near Me , The Magic Box Vào những ngày tháng mà thói xu thời Tây phương, cũng như việc chạy theo trào lưu văn hóa thịnh hành khiến các ký giả có khuynh hướng bảo thủ chỉ trích. Ký giả Tuấn Huy của tuần san Kịch Ảnh, vào thập niên 60, thế kỷ XX đã viết nhiều bài bình luận, nhại tên của nữ diễn viên này thành “Ma-ri Sến” để mô tả giới trẻ đang yêu thích nhạc bolero và chê bai các nội dung đầy nước mắt, u buồn của dòng nhạc này là “Sến”.

Trải qua rất nhiều gập ghềnh, thậm chí có lúc bị coi như là thứ văn hóa thấp kém, không đáng tồn tại nhưng bolero vẫn văng vẳng trong các ngôi nhà, văng vẳng trong trí nhớ con người như những lời tâm sự về thời cuộc, về số phận và tình yêu. Người ta nói rằng bolero có hai dạng trình diễn: một là trình diễn trên sân khấu với đủ tiêu chuẩn của nghệ thuật, và hai là trình diễn như một cái tình đối thoại. Loại hát các câu chuyện, ngao du qua thế gian như những troubadour - người hát rong kể chuyện. Mà bolero thì hát như kể chuyện người như chuyện của mình.

Đã hơn nửa thế kỷ, bolero luôn tồn tại trên mọi nẻo đường Sài Gòn và được mọi người chào đón như bạn tri âm. Đến phương Nam là phải nghe bolero. Phải nghe những câu chuyện truyền kỳ, những nỗi buồn về tình yêu qua giọng hát luôn đậm chất thơ của người miền Nam. Sài Gòn hình thành cái tên Thành phố bolero như một lẽ tự nhiên.

Bolero sẽ tồn tại đến lúc nào? Có lẽ là mãi mãi, bởi sẽ chẳng ai muốn mất đi một kho tàng đầy những bài hát da diết, chứa chan tình cảm sâu lắng như thế.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Sài Gòn và ẩm thực ‘nhập gia tùy tục’

Sài Gòn và ẩm thực ‘nhập gia tùy tục’

(PL)- Cách thức người Sài Gòn tiếp biến những món ăn lạ với gu và nguyên liệu địa phương đã làm nên một phong cách ẩm thực rất riêng, thậm chí khác hẳn so với nguyên bản.
Người Sài Gòn và tình yêu sách

Người Sài Gòn và tình yêu sách

(PL)- Tình yêu sách của người Sài Gòn-TP.HCM, trải bao vật đổi sao dời, hầu như vẫn không suy suyển. Đó mãi là một thước đo thẩm định phẩm chất văn hóa và khát vọng đổi mới của thành phố này.
Cuốc xe ôm sáng mùng một tết

Cuốc xe ôm sáng mùng một tết

(PL)- Cả năm mới được vài ngày Sài Gòn vắng vẻ, chạy xe một vòng để thấy đời mình cũng có lúc thư thái, ung dung.
3 note nhỏ cho Sài Gòn của tôi

3 note nhỏ cho Sài Gòn của tôi

(PL)- Cho dù vật đổi sao dời thì Sài Gòn vẫn còn nguyên cốt cách của mình: bình dị mà lịch lãm, êm ả nhưng sục sôi, hiện đại mà hoài cổ...
Người Sài Gòn Anh là ai?

Người Sài Gòn Anh là ai?

(PL)- Những ly rượu đế đối với người Sài Gòn có khi còn đậm đà hơn những chai rượu Tây sang trọng. Cái quý không phải ly rượu, đĩa mồi mà là cái tình với nhau.
Gam màu nào cho Sài Gòn?

Gam màu nào cho Sài Gòn?

(PL)- Người Sài Gòn lâu nay vẫn định hình màu sắc đô thị mình sống là hòa trộn giữa màu tường vàng của những kiến trúc thuộc địa, màu ngói đỏ của ngôi chợ rêu phong hay màu gạch đỏ ấm áp của ngôi giáo đường cổ kính.