Đến trường đón con, một phụ huynh có con học lớp 3 tại trường tiểu học ở quận 5 ngạc nhiên khi nghe con hỏi như thế.
Vị phụ huynh hơi ngạc nhiên nhưng khi đứa con lật quyển vở ra cho xem thì chị mới hiểu ra vấn đề.
Phần bài tập yêu cầu điền từ thích hợp vào dấu ba chấm để câu có nghĩa. Đề cô giáo đưa ra là: “Sau cơn mưa, đường trơn như...”. Từ của bé chọn điền vào là “băng tuyết” nhưng cô giáo dùng bút đỏ gạch đi và viết vào bên cạnh “thoa mỡ bò”. Cô kèm lời phê bên cạnh rằng: “Con làm bài cẩn thận nhưng cần dùng từ ngữ phù hợp với điều kiện địa phương hơn”. Đọc xong, người mẹ buột miệng: “Ừ, sao cô giáo kỳ vậy nhỉ?”. Nói xong, người mẹ xoa đầu đứa trẻ rồi lắc đầu cười có vẻ tiếc nuối điều gì đó về cách dạy và nhận xét của cô giáo.
Tình huống này khiến tôi nhớ lại cảm xúc thất vọng của một giám khảo trong một cuộc thi vẽ dành cho học sinh tuổi từ mầm non đến trung học trên địa bàn TP.HCM. Tất nhiên, chủ đề chung thì ban tổ chức đã đưa ra từ ngày phát động nhưng sản phẩm, ý tưởng dự thi thì đến ngày thi các em mới bắt đầu vẽ và nộp. Trong quá trình chấm thi, ban tổ chức vui mừng vì cuộc thi đã thực sự là sân chơi lành mạnh cho tất cả học sinh có năng khiếu hội họa, thu hút số lượng lớn thí sinh nhiều lứa tuổi tham gia.
Thế nhưng một điều không hay mà ban tổ chức nhận được là có một số bức vẽ khá đẹp nhưng lại giống nhau về ý tưởng, chỉ hơi khác về nét vẽ. Vì tò mò và cũng buồn lòng nên vị giám khảo này kiên quyết tìm cho ra nguồn gốc những bức vẽ này. Sau quá trình rà soát, giám khảo bất ngờ biết rằng những bài giống nhau đó cùng xuất xứ tại một trường tiểu học, cùng một giáo viên hướng dẫn. Cụ thể, giáo viên này đã bắt học trò vẽ đi vẽ lại một bức vẽ mẫu do giáo viên đưa ra. Không chỉ ở lớp, các bé còn được yêu cầu tập vẽ lại nhiều lần ở nhà để chuẩn bị tốt cho kỳ thi mang tính sân chơi sáng tạo ấy.
Tất nhiên, kết quả là những bài thi đó đã bị loại. Dù giáo viên và nhà trường chỉ bị nhắc nhở, thế nhưng hành động đó đã trở thành ấn tượng xấu khó quên cho những người làm công tác tổ chức cuộc thi.
Như vị giám khảo kết lại: “Cuộc thi có thành công đến đâu, bài học có hay đến đâu thì cũng trở thành phản giáo dục nếu nó mang dáng dấp bàn tay áp đặt của người lớn. Như thế chẳng khác nào chúng ta cướp đi khả năng được tư duy, sáng tạo của đứa trẻ - điều mà bất kỳ ai cũng cần được khích lệ. Đó chỉ là cách mà người lớn thêm một lần đẩy đứa trẻ thành những bản sao nhanh hơn mà thôi”.