Tuy nhiên, sau khi dán tem ở các cây xăng, lực lượng chức năng vẫn còn gặp khó khăn. Ví dụ sau khi dán tem, có doanh nghiệp thông báo đồng hồ bị hư, cơ quan thuế phải dán tem lại. Nhưng muốn làm được điều này thì phải có sự phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong khi đơn vị này nhân sự mỏng. Vì vậy, việc dán tem bị chậm trễ so với yêu cầu của các cửa hàng xăng dầu.
“Do vậy chúng tôi đang nghiên cứu làm sao dán tem kịp thời để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng xăng dầu” - đại diện Cục Thuế TP.HCM thông tin.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, đánh giá trong khi công tác đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, gian lận từ bên ngoài còn gặp khó khăn thì việc tập trung quản lý xăng dầu trong nội địa rất quan trọng. Đến nay 100% cây xăng ở TP.HCM đã thực hiện dán tem là kết quả đáng ghi nhận.
“Sau khi dán tem cây xăng, thu thuế ở Hà Tĩnh tăng 20%, Nghệ An tăng đến 80%. Do vậy TP.HCM có thể học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương trên. Nhưng quan trọng nhất là sau khi dán tem, ngoài kiểm soát lượng hàng bán ra phải kiểm soát luôn đầu vào, đảm bảo đầy đủ chứng từ, hóa đơn, nguồn gốc rõ ràng… Như vậy sẽ ngăn chặn được nguồn xăng bất hợp pháp đưa vào tiêu thụ, buôn lậu xăng dầu. Giúp tăng thu thuế cho Nhà nước, bảo vệ người tiêu dùng” - ông Thế nhấn mạnh.
Ban chỉ đạo 389 TP.HCM cho biết thêm để chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, thời gian qua lực luợng chức năng đã kiểm tra 75 trường hợp. Qua đó phát hiện sáu trường hợp vi phạm như không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn theo quy định, kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đã hết hiệu lực.