Chiều tối 7-5, sau hai ngày nắng nóng hơn 42 độ C, trên địa bàn Nghệ An trời đã dịu mát, nhiệt độ giảm, một số huyện bắt đầu có mưa.
Tại huyện miền núi Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Quế Phong…vừa xảy ra trận mưa giông kèm gió lốc cuốn bay nhiều mái tôn nhà dân, làm đổ cây xanh.
|
Cây xanh ngã đổ ở huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An). |
Người dân ở huyện Quỳ Châu cho biết, cả ngày trời nắng nóng “như thiêu, như đốt”, nhưng đến cuối ngày bất ngờ có giông, lốc khiến nhiều người trở tay không kịp. Nhiều ngôi nhà đã bị tốc mái, nhiều cây xanh và cột điện gãy đổ làm mất điện lưới.
Tại xã Mường Nọc (huyện miền núi Quế Phong) có một số nhà dân bị lốc quật đổ, hư hỏng.
|
Nhà dân ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) hư hỏng nặng sau trận giông lốc. |
Thống kê ban đầu, ở xã Bảo Thắng (huyện Kỳ Sơn) có hàng chục nhà dân bị tốc mái.
Tối 7-5, trên địa bàn TP Vinh và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) xuất hiện sấm chớp và mưa giông.
Chiều hôm qua (6-5), kỷ lục mới về nhiệt độ đã được thiết lập tại Việt Nam. Theo bảng thống kê nhiệt độ của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi.
|
Lốc quật đổ xe và bay mái tôn. |
Theo đó, nhiệt độ lúc 13 giờ ở phía Tây Bắc bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên phổ biến 37-40 độ, có nơi trên 41 độ.
Đơn cử, tại Lạc Sơn (Hòa Bình) 41,7 độ; Hòa Bình 41,3 độ; Hồi Xuân (Thanh Hóa) 42,4 độ; Quỳ Châu (Nghệ An) 42 độ; Tương Dương (Nghệ An) 42,5 độ; Tây Hiếu (Nghệ An) 42,5 độ; Hương Khê (Hà Tĩnh) 41,3 độ… Độ ẩm tương đối lúc 13 giờ phổ biến 33-55%.
|
Người dân khắc phục thiệt hại sau khi xảy ra giông lốc. |
Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, hiện nay ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng đêm 7-5 và ngày 8-5, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ.
Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ ngày 8-5 trời chuyển mát và có mưa rào và dông rải rác; cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm.