Thảo luận về dự thảo Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) sau năm 2015, nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với việc Bộ GD&ĐT vẫn tham gia biên soạn SGK dẫn đến “vừa đá bóng vừa thổi còi” gây khó khăn cho các đơn vị biên soạn, làm SGK khác.
Bỏ cách học một chiều
Theo đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), việc sửa đổi CT-SGK là hết sức cần thiết. Bởi sự xuống cấp đạo đức, văn hóa trong xã hội hiện nay nói chung có phần trách nhiệm của ngành giáo dục mà trong đó có lỗi của nội dung CT-SGK chưa đáp ứng yêu cầu.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) thì phản ánh hiện trẻ em đang bị bắt học quá nhiều, không còn thời gian vui chơi, rèn luyện thể thao. “Tôi xem SGK thấy có thể lược bỏ những phần rườm rà, lằng nhằng. Đối với học sinh bé nên để nhiều thời gian vui chơi hơn”.
Phân tích về nhược điểm của SGK hiện hành, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho rằng sách chưa cân đối được giữa dạy chữ và dạy người. SGK còn nặng lý thuyết “nhồi nhét”, làm kìm hãm tư duy phát triển của học sinh. Chương trình thì nặng nề nên học sinh phải học thêm mới theo kịp nên không còn thời gian để học năng khiếu, kỹ năng. “Đây là những bất cập mà chúng ta phải khắc phục càng nhanh càng tốt” - ông Ngân nói.
![]() |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: “Sẽ xây dựng quy chế để việc lựa chọn SGK diễn ra công bằng, khách quan”. Ảnh: THÀNH VĂN
Thừa nhận những ý kiến phản ánh của các ĐB về CT-SGK là đúng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho hay những lần viết CT-SGK trước đều theo hướng: Thầy truyền đạt kiến thức cho trò, trò tiếp nhận và học thuộc để thi. Có nghĩa những điều thầy nói ra là chân lý, học trò chỉ công nhận, viết càng đầy đủ đúng lời thầy, giống với sách thì điểm càng cao. Nếu viết không đúng như điều thầy nói, cũng như với sách thì điểm rất thấp.
“Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang cách viết khác, trong đó chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Và hiện chúng tôi đang tập huấn cho rất nhiều thầy cô giáo, chuyên gia giáo dục để làm quen, tiếp cận với những bộ sách trên thế giới để sau này làm sao SGK phải phát triển năng lực của học sinh” - ông Luận nói.
“Làm gì còn cạnh tranh”
Đề cập đến việc Bộ GD&ĐT vẫn tham gia biên soạn SGK là không phù hợp, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) cho rằng Bộ chỉ nên tập trung công tác quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược giáo dục, ban hành văn bản, kiểm tra xử lý chứ Bộ mà tham gia sẽ dẫn đến “vừa đá bóng vừa thổi còi”. “Bộ mà tham gia vào thì tổ chức, cá nhân nào dám tham gia nữa. Hơn nữa, Bộ soạn thảo thì đời nào Bộ lại đi đánh giá bộ sách của mình yếu. Bộ soạn ra thì sớm hay muộn các phòng giáo dục cũng phải dùng, làm gì còn cạnh tranh”.
ĐB Thiện cũng bày tỏ sự băn khoăn khi có sự thay đổi lớn về CT-SGK như vậy mà không có thí điểm, thực hiện đại trà luôn vào năm 2018. “Chúng ta cần có bước đi cẩn trọng, không nên áp dụng đại trà một lúc bởi nếu không nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ” - ông Thiện cảnh báo.
Chia sẻ những lo lắng trên, Bộ trưởng Luận cho hay các bộ sách khi đã được phép lưu hành đều là tốt nhưng có thể nó không phù hợp với địa phương nên cái này cần phải có quy chế chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng tiêu cực. “Chúng tôi sẽ xây dựng quy chế để việc lựa chọn SGK diễn ra công bằng, khách quan, tránh tình trạng các nhà xuất bản tác động, chia % cho các trường chọn bộ sách này, bộ sách kia”.
Ông Luận cũng khẳng định sẽ không có chuyện Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”, dành hết phần, không còn chỗ cho các nhóm tác giả khác viết sách nữa. “Lúc đầu khi trình chúng tôi đề xuất hai phương án, trong đó có phương án xã hội hóa. Tuy nhiên, sau đó cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi Thủ tướng cho rằng: Bộ buông hết nếu tốt thì không sao nhưng không triển khai được, không kịp có SGK thì sẽ có lỗi với nhân dân. Chứ không phải chúng tôi muốn ôm việc này đâu”.
Hơn nữa theo ông Luận, việc thẩm định SGK không phải Bộ thẩm định mà sẽ do hội đồng thẩm định bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia… do nhiều tổ chức, đơn vị giới thiệu. Căn cứ vào kết quả thẩm định và các văn bản khác Bộ sẽ ra văn bản để bộ SGK đó được lưu hành hợp pháp. Còn việc anh chọn bộ sách nào là phụ thuộc vào vùng, miền và các địa phương nên không có chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Quy định Bộ GD&ĐT soạn bộ SGK là phù hợp. SGK dù của Bộ hay cá nhân xây dựng nếu được chấp nhận thì đều được sử dụng trong nhà trường và được Nhà nước đứng ra tập huấn và phổ biến cho học sinh. Và các đơn vị đều có quyền lựa chọn một bộ sách chất lượng, phù hợp. Quy định như thế buộc anh phải biên soạn tốt để nhiều người mua, anh biên soạn không tốt thì anh bị thua lỗ, anh phải chịu. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, |