‘Siêu dự án thủy điện’: Xin đừng băm nát sông Hồng!

“Xin đừng băm nát sông Hồng” - TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, đã thốt lên như thế khi trao đổi với PV về siêu dự án thủy điện trên sông Hồng (Pháp Luật TP.HCMđã thông tin ngày 5-5).

Đòi dập “lửa xa” lại đốt “lửa gần”

Ông Tứ nhấn mạnh, người dân khi nghe đến siêu dự án gồm thủy điện, cảng vận tải trên sông Hồng sẽ giật mình và không hình dung nổi hạ du sông Hồng, đồng bằng Bắc bộ sẽ ra sao. “Chúng ta lại phải đặt câu hỏi: Bạn muốn có thủy điện hay sông ngòi?” - ông Tứ lo ngại.

Ông Tứ cho rằng phía thượng nguồn của dòng sông đã bị phía Trung Quốc xây dựng nhiều thủy điện. Nếu Việt Nam tiếp tục xây dựng các dự án thủy điện trên sông Hồng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy ở phía hạ du. “Tài nguyên nước đứng trước thách thức lớn do ảnh hưởng từ phát triển thủy điện. Việt Nam có hai hệ thống sông lớn là sông Cửu Long và sông Hồng. Sông Cửu Long đang gặp khó khăn về nguồn nước do ảnh hưởng từ các thủy điện trên sông Mekong và lâu nay có nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ đối với các thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn. Đó là bài học lớn để cân nhắc xây dựng thủy điện trên sông Hồng. Nếu xây dựng thủy điện sẽ băm nát dòng sông” - ông Tứ cảnh báo.

Đồng tình, GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, dẫn chứng: “Chúng ta đã và đang phải trả giá cho việc Trung Quốc xây dựng thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong khiến ĐBSCL ngập mặn. Hàng triệu người dân trong khu vực này đã bị ảnh hưởng”.

Theo GS Long, đồng bằng sông Hồng cũng là vựa lúa của miền Bắc và cả nước, là nguồn sống của cả vùng rộng lớn. Sông Hồng còn mang giá trị văn hóa, lịch sử của nền văn minh lúa nước. Nếu chúng ta làm thủy điện trên sông Hồng thì đồng nghĩa sẽ đánh đổi cả một nền văn hóa, đời sống của dân để lấy thủy điện và giao thông thủy!

Siêu dự án giao thông, thủy điện trên sông Hồng bị các chuyên gia đánh giá thấp về giá trị kinh tế và đời sống. Ảnh: LĐ

Ảnh hưởng toàn bộ sông ngòi Bắc Bộ

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng vấn đề là xem xét vị trí đặt nhà máy thủy điện và âu tàu ở đâu. Khi xác định vị trí chính xác mới đánh giá được các tác động đến môi sinh, dòng chảy, đời sống người dân… Tuy nhiên, việc xây dựng thủy điện trên 30 MW vắt ngang qua sông sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến nguồn nước. Bên cạnh đó, khi dự án được triển khai còn ảnh hưởng đến lòng sông, môi trường rừng.

TS Vũ Trọng Hồng, chuyên gia thủy lợi, nhấn mạnh con sông này không chỉ chảy từ Trung Quốc về mà còn kết nối với hàng loạt con sông khác như sông Lô, sông Đà, sông Chảy, sông Luộc... Do vậy nếu dòng sông Hồng bị xáo trộn sẽ làm ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống sông ngòi của đồng bằng Bắc Bộ.

Theo TS Hồng, trước đây xây thủy điện Hòa Bình, Liên Xô đã tính toán và kết luận độ dốc sông Hồng không thay đổi nhưng đến nay thì lòng sông Hồng dưới hạ du đã xuống thấp 1 m, kéo theo mực nước hạ thấp. Sau thủy điện cũng có nhiều nghiên cứu khác cho thấy dòng chảy bị quặn nhiều, lấn sâu vào cả chục mét. Như vậy, nếu sông Hồng bị đào bới thì sẽ phá ra hai bên bờ, Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. “Sông Hồng là mạch sống của đồng bằng Bắc Bộ, là tài sản quốc gia nên phải có ý kiến Quốc hội về dự án. Tuy nhiên, nếu chấp thuận đầu tư dự án sẽ ảnh hưởng đến vựa lúa phía Bắc. Lòng sông Hồng hiện đã cạn nước nên nếu tiếp tục làm thủy điện sẽ khiến lòng sông lún, tạo điều kiện cho nước biển xâm lấn làm ảnh hưởng cả vùng hạ du” - TS Hồng quan ngại.

Bên cạnh đó, TS Hồng cũng cho rằng lâu nay người dân đang đi tự do trên sông nhưng bây giờ lại làm dự án thu phí. “Cách làm này giống như thu phí BOT đường bộ để áp dụng cho đường thủy. Trên đường bộ thu phí thì nay ở sông thu phí nữa sẽ làm cho người dân thêm khó khăn” - ông Hồng nói.

Giúp tăng cường giao lưu với Trung Quốc

Theo báo cáo đề xuất của Bộ KH&ĐT, dự án sẽ mở ra một tuyến vận tải thủy thông suốt giữa miền núi và đồng bằng, góp phần tăng cường giao lưu phát triển kinh tế miền núi, giảm bớt quá tải cho hệ thống giao thông. Dự án cũng thúc đẩy phát triển các ngành liên quan đến vận tải thủy như phát triển các cảng, bến thuyền, các xưởng sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy. Dự án sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên các đơn vị liên quan, đóng góp vào ngân sách.

Đặc biệt, dự án này sẽ giúp tăng cường giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc). Dự án không gây ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, đảm bảo yêu cầu về quan hệ quốc tế, biên giới, an ninh với Trung Quốc.

________________________________

Các nhà máy thủy điện thuộc dự án dự kiến đầu tư chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định 1208/2011 của Thủ tướng.

Ý kiến của Bộ Xây dựng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm