Simona Halep phản pháo án cấm thi đấu của Swiatek

(PLO)-Cùng lãnh án cấm thi đấu vì doping nhưng tay vợt số 2 thế giới Iga Swiatek chỉ bị cấm tranh tài một tháng trong khi Simona Halep phải treo vợt 1,5 năm.

Cùng dính doping nhưng án cấm thi đấu của Swiatek và Halep có sự khác biệt lớn. Ảnh: REUTERS

Tay vợt người Rumani - Halep đặt câu hỏi, liệu có “sự khác biệt lớn” trong cách xử lý các trường hợp dương tính với doping.

Cùng dính doping, người nhận án cấm thi đấu một tháng, người lãnh 18 tháng

Theo Cơ quan Liêm chính Quần vợt Quốc tế (ITIA), Swiatek đã chấp nhận án treo giò một tháng sau khi cô có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm trimetazidine (TMZ).

Tay vợt người Ba Lan, Swiatek dính doping vào tháng 8 nhưng ITIA - đơn vị điều hành chương trình chống doping của quần vợt thừa nhận, nguyên nhân là do thuốc melatonin của Swiatek bị nhiễm bẩn.

Swiatek đấu chung kết Cincinnati Open hồi tháng 8.

Vào tháng 10-2022, Halep cấm thi đấu tạm thời và sau đó lãnh án cấm thi đấu 4 năm. Đến tháng 3-2024, thời hạn này đã được giảm xuống còn chín tháng sau khi Halep kháng cáo lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS).

Halep kiên quyết phủ nhận việc cố ý sử dụng chất cấm roxadustat, đồng thời trưng ra bằng chứng cho thấy một lượng nhỏ chất cấm đã xâm nhập vào cơ thể từ một loại thực phẩm bổ sung được cấp phép bị nhiễm bẩn.

“Tôi đã tự hỏi, tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy trong cách đối xử và phán quyết?. Tôi không thể nghĩ hoặc tìm ra câu trả lời hợp lý.

Đó chỉ có thể là ý xấu từ ITIA, tổ chức đã làm mọi cách để hủy hoại tôi bất chấp bằng chứng... Thật đau đớn, rất đau đớn và có lẽ sự bất công mà tôi phải chịu sẽ mãi đau đớn”, cựu tay vợt nữ số 1 thế giới Halep viết trong một bài đăng trên Instagram.

Theo Reuters, ITIA chưa đưa ra bình luận nào về bài viết của Halep.

Cựu vô địch Wimbledon và Pháp mở rộng - Halep đã chỉ trích các cơ quan quản lý quần vợt vì thời gian xử lý vụ việc của cô quá lâu. Sau khi bị cấm thi đấu tạm thời vào tháng 10-2022, đến tháng 9-2023, Halep mới nhận án cấm thi đấu 4 năm.

Trong khi đó, tay vợt giữ vị trí số 1 thế giới khi dính doping - Swiatek bị đình chỉ tạm thời vào ngày 12-9, nhưng lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ vào ngày 4-10, giúp đương kim số 2 thế giới Swiatek chỉ phải thụ án hơn một tuần nữa.

Halep lên tiếng về sự bất công trong quy trình xử lý các ca dính doping.

WTA và ATP phản đối sự bất công

Các tay vợt của WTA và ATP đều đang lên tiếng về những gì được cho là tiêu chuẩn kép trong môn quần vợt, khi tay vợt nam số 1 thế giới Jannik Sinner được minh oan, dù anh không vượt qua được hai cuộc kiểm tra doping vào đầu năm nay.

Một tòa án độc lập đã chấp nhận lời giải thích của tay vợt người Ý, chất đồng hóa clostebol đã xâm nhập vào cơ thể anh ta từ một thành viên trong nhóm hỗ trợ thông qua liệu pháp mát-xa và trị liệu thể thao.

Sinner vẫn có thể bị cấm thi đấu 2 năm, sau khi Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA) đâm đơn kiện quyết định vụ việc lên tòa án thể thao cao nhất.

Giữa những câu hỏi về cách xử lý trường hợp của Swiatek và Sinner, giám đốc điều hành ITIA - Karen Moorhouse lý giải: “Đây không phải là những trường hợp cố ý sử dụng doping. Chúng tôi đang giải quyết những hành vi vô ý vi phạm các quy định.

Vì vậy, tôi không nghĩ đây là lý do khiến người hâm mộ quần vợt lo ngại. Thực tế là chúng tôi đang công khai, minh bạch và điều đó cho thấy phạm vi và chiều sâu của chương trình chống doping của chúng tôi”.

Trong khi đó Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp (PTPA) được thành lập bởi Novak Djokovic và Vasek Pospisil vào năm 2020 khẳng định, quần vợt cần một hệ thống chống doping dựa trên sự minh bạch, tính nhất quán và khách quan.

PTPA cho biết thêm: “Các VĐV xứng đáng và có quyền được hưởng quy trình hợp pháp và hỗ trợ trong quá trình điều hướng hệ thống chống doping, bất kể thứ hạng và danh tiếng... [Họ] xứng đáng và có quyền được hưởng sự quản lý mà họ tin tưởng. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục chiến đấu nhằm cải tổ hệ thống quản lý quần vợt đã lỗi thời".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới