TỔNG KẾT VÀ TRAO THƯỞNG CÁC DANH HIỆU V-LEAGUE

Sợ nhất là trao giải cổ động viên kiểu “ăn theo” nhà vô địch

Trong khi những nhà tổ chức đang chuẩn bị tổng kết và bầu chọn các giải thưởng thì Pháp Luật TP.HCM nhận được góp ý cho những nhà tổ chức liên quan đến giải thưởng Hội cổ động viên (CĐV) Việt Nam năm 2011. Bài viết của anh Nguyễn Văn Lợi, hiện là Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Hội CĐV Việt Nam và là Ủy viên Ban Vận động Hội CĐV thể thao TP.HCM (tít và phần giới thiệu do tòa soạn đặt).

Thường thì cứ đội bóng nào vô địch V-League thì giải thưởng Hội CĐV xuất sắc nhất Việt Nam sẽ được trao cho hội CĐV của đội bóng đó. Đấy là lý do mùa 2010, khi BTC trao giải CĐV xuất sắc cho các CĐV Hà Nội T&T thì đại diện Hội CĐV Bình Dương đã phát biểu sẵn sàng trả hết giải thưởng trước đây cho BTC vì bất mãn với việc thiếu trân trọng các hội CĐV.

Năm nay, có thông tin rằng Hội CĐV SL Nghệ An đang được xét về nhất như thành tích của đội vô địch V-League SL Nghệ An nên dưới góc độ của một CĐV chân chính, không vì địa phương nào hết, tôi xin có những chia sẻ như sau.

Nếu căn cứ theo kiểu về đích “ăn theo” cùng đội vô địch như vậy sẽ rất nguy hiểm và nó làm nguy hại đi nỗ lực của nhiều hội CĐV khác đang cố gắng làm lành mạnh hội của mình với những phong cách cổ vũ thật fair-play.

Theo tôi thì mùa này Hội CĐV SL Nghệ An chưa thật xuất sắc. Điển hình là phong cách cổ vũ trên sân Thống Nhất qua hai trận với NaviBank Sài Gòn ở V-League và Cúp Quốc gia đều chưa thật sự fair-play. Qua khẩu hiệu “Chảo lửa thành Vinh giữa lòng Sài Gòn” khi hai lần đội SL Nghệ An đá ở TP.HCM và tương tự là “Chảo lửa thành Vinh giữa lòng Đà Nẵng” khi thi đấu trên sân Chi Lăng khiến có lần BTC sân Chi Lăng không cho trưng banderole đấy lên. Đó là chưa kể khi SL Nghệ An thua trận chung kết thì chiếc cúp giả mà CĐV SL Nghệ An mang đến sân đã bị ném xuống đường chạy một cách giận dữ.

Sợ nhất là trao giải cổ động viên kiểu “ăn theo” nhà vô địch ảnh 1

Những banderole gây phản cảm của một số hội CĐV. Ảnh: XUÂN HUY

Sợ nhất là trao giải cổ động viên kiểu “ăn theo” nhà vô địch ảnh 2

Tác giả (thứ hai từ trái sang) trong lần CĐV Đà Nẵng giao lưu với CĐV TP.HCM. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Qua những biểu ngữ cổ vũ, tôi xin trích dẫn một số banderole dễ thương và fair-play như “Đồng Tháp đá fair-play cho dân thương, đá thắng cho dân khoái” của Hội CĐV Đồng Tháp; “Dù thắng hay thua chúng ta vẫn là bạn” của Hội CĐV Bình Dương…

Nhân nói về các hội CĐV, tôi xin giới thiệu đến một hội CĐV rất chuyên nghiệp, đáng được nhân rộng trong số các hội CĐV hiện nay. Đó là Hội CĐV SHB Đà Nẵng, được thành lập có quyết định công nhận của lãnh đạo TP Đà Nẵng với đội ngũ ban chấp hành có năng lực và có trách nhiệm. Họ quy tụ hội viên thật sự có tâm huyết và đi cổ vũ ở các sân nhưng bao giờ cũng thực hiện mối giao lưu với CĐV các địa phương một cách hài hòa. Khi đi cổ vũ cho đội nhà ở sân khách lẫn sân nhà, hội đều thường xuyên đến sân với đội trống gồm 10 người và một tay organ cùng khoảng 150 người tạo thành một khối đồng nhất khi cổ vũ thật hùng hậu. Hội CĐV này không chỉ tham gia cổ vũ cho đội SHB Đà Nẵng mà còn theo cả các đội hạng nhất, U-21, U-19 và U-15 Đà Nẵng…

Với cách làm chuyên nghiệp trên, vừa qua Ban chấp hành lâm thời của Hội CĐV Việt Nam đã có cuộc họp thành lập ban vận động hội của ba miền và lấy mô hình CĐV SHB Đà Nẵng làm chuẩn nhằm lên kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 26 tại Indonesia vào tháng 11-2011.

Đấy là những chia sẻ của một người phụ trách các công tác ở những hội CĐV. Vì thế rất mong những nhà làm bóng đá Việt Nam trân trọng đến giá trị của những hội CĐV mà trao thưởng cho đúng, tránh việc bị phản ứng kịch liệt và bị chỉ trích là “mặt trận” như năm rồi.

NGUYỄN VĂN LỢI (Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Hội CĐV Việt Nam)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm