Sợ Trung Quốc, Triều Tiên chưa dám thử hạt nhân

Theo nhận định của ông Hecker hôm 16-7, để phát triển một quả bom kích thước nhỏ và tinh vi, gắn vào một thiết bị phóng như tên lửa, Triều Tiên còn phải tiến hành thêm nhiều vụ thử hạt nhân.
Tuy nhiên, sự tức giận của Trung Quốc là lý do quan trọng khiến “Triều Tiên lưỡng lự”. “Cái giá Triều Tiên phải trả gần như do Trung Quốc định đoạt” – ông Hecker nhận định. Trung Quốc là nước ủng hộ quan trọng nhất đối với Triều Tiên về mặt kinh tế và chính trị dù trên thực tế, 2 nước là những đồng minh không hoàn toàn thuận thảo.
Ngoài ra, cựu giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Mỹ cũng lo ngại khả năng hợp tác giữa Triều Tiên và Iran. “Bất cứ việc chia sẻ dữ liệu thử nghiệm nào của Bình Nhưỡng cũng đều nguy hiểm” – ông Alamos nói thêm.

Sợ Trung Quốc, Triều Tiên chưa dám thử hạt nhân ảnh 1

Nhà khoa học Siegfried Hecker phát biểu về chuyến thăm Triều Tiên cuối năm 2010. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, các nỗ lực bình thường hóa quan hệ liên Triều vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục không đạt được đồng thuận về việc mở cửa lại khu công nghiệp chung Kaesong trong cuộc đối thoại cấp chuyên viên hôm 17-7.
Sau khi phiên họp kết thúc lúc 17 giờ 30 phút (giờ địa phương), hai bên cho biết sẽ tiến hành vòng đối thoại tiếp theo vào ngày 22-7. Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Park Soo-jin cho biết Seoul đã hối thúc Bình Nhưỡng cam kết không đóng cửa khu công nghiệp này một lần nữa. Tuy nhiên, Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc thiếu thành thật trong cuộc đối thoại mới nhất. “Hàn Quốc chỉ giả vờ tiến hành các cuộc đàm phán nên không có kết quả tích cực” – hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 18-7 nêu rõ.

Sợ Trung Quốc, Triều Tiên chưa dám thử hạt nhân ảnh 2

Tuyển bóng đá nữ Triều Tiên tham dự môn bóng đá nữ Olympic London 2012 ở Glasgow – Scotland. Ảnh: REUTERS
Trong một diễn biến khác, đội tuyển bóng đá nữ CHDCND Triều Tiên sẽ đến Hàn Quốc trong ngày 18-7 để tham gia tranh Cúp bóng đá nữ Nam Á với Nhật Bản, Trung Quốc, Úc và Hàn Quốc từ ngày 20-7.
Lần giao lưu thể thao đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2009 được nhiều người xem như một dấu hiệu hạ nhiệt phần nào căng thẳng. Không ít người đặt niềm tin vào nỗ lực ngoại giao thể thao này.

Ông Jeon Young-sun, giáo sư thuộc trường đại học Konkuk, cho biết: “ Chuyến viếng thăm có thể hàm chứa ý nghĩa nhất định nhưng với mối quan hệ nguội lạnh hiện nay, chính trị sẽ ảnh hưởng đến tinh thần thể thao”. Còn ông Kwak Moon-wan, người đứng đầu câu lạc bộ bóng đá dành cho người đào tẩu Triều Tiên tại Seoul – Hàn Quốc, hy vọng thể thao sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về ý thức hệ. “Thế nhưng, không thể gán ghép thể thao vào vấn đề ngoại giao” – ông Kwak nói. Ông này đã rời bỏ Bình Nhưỡng và định cư tại Seoul từ năm 2003.
Theo H.Bình (NLĐO / Reuters, Yonhap)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm