Những mô hình cải cách hành chính đột phá ở TP.HCM - Bài 3

Sở Tư pháp TP.HCM và những dấu ấn trong cải cách hành chính

(PLO)- Được xếp hạng dẫn đầu khối sở, ngành trong chỉ số cải cách hành chính năm 2021 là kết quả phấn đấu của cả tập thể Sở Tư pháp cũng như công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong thời gian qua, Sở Tư pháp TP.HCM đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Điều này được thể hiện ở kết quả xếp hạng chỉ số CCHC năm 2021 - Sở Tư pháp là đơn vị dẫn đầu trong khối sở, ngành. Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, về vấn đề này.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ba khó khăn lớn

. Phóng viên: Thưa bà, để đạt được thành tích dẫn đầu trong CCHC, Sở Tư pháp đã có những thay đổi gì trong từng chỉ tiêu đặt ra?

+ Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh: Đây là kết quả phấn đấu của cả tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Sở Tư pháp, từ công tác chỉ đạo, điều hành đến tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt trong hành động.

Ngay từ đầu năm, chúng tôi xác định rõ mục tiêu trọng tâm của công tác CCHC, đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể phù hợp với đặc thù công việc của đơn vị. Từ đó phân công cụ thể trách nhiệm, tiến độ thực hiện của từng phòng, ban nhằm phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong CCHC để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

. Trong quá trình thực hiện CCHC, sở đã gặp những khó khăn gì, đâu là khó khăn lớn nhất?

+ Một trong những khó khăn mà chúng tôi gặp là tình trạng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trễ hạn, chủ yếu thuộc lĩnh vực lý lịch tư pháp. Dù đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp khắc phục nhưng vẫn có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết hồ sơ như cơ quan liên quan chậm trả lời thông tin xác minh, thông tin người dân cung cấp không chính xác…

Một điểm khó khăn khác là vấn nạn giả mạo giấy tờ, giả mạo người… ngày càng phổ biến, tinh vi nhưng các biện pháp ngăn chặn chưa hiệu quả, gây ra nhiều hậu quả pháp lý và ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Bên cạnh đó, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ qua bưu chính, dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, một phần do tâm lý và thói quen của người dân, một phần do chất lượng của các dịch vụ này chưa thật sự tiện ích.

Liên thông nhiều thủ tục hành chính

Sở Tư pháp TP.HCM thời gian qua ghi dấu nhiều cách làm, mô hình tiên phong, hiệu quả như cung cấp văn bản pháp luật và tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân; liên thông các nhóm TTHC như đăng ký khai sinh - đăng ký hộ khẩu thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế; liên thông thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp - cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại TP.HCM; trung tâm thông tin và tư vấn công chứng đầu tiên và duy nhất của cả nước cho đến nay...

Đây cũng là đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành với chương trình phần mềm quản lý trên các lĩnh vực hộ tịch, công chứng, lý lịch tư pháp…

Đẩy mạnh tham mưu về cải cách thể chế

. Bà có thể chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm và điểm mới trong công tác CCHC năm 2022 của Sở Tư pháp?

+ Năm 2022, chúng tôi tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung của chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, chương trình CCHC và giải pháp nâng cao chỉ số CCHC (PAR Index) của TP.HCM và của Sở Tư pháp giai đoạn 2021-2025.

Người dân làm thủ tục hồ sơ tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dân làm thủ tục hồ sơ tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sở Tư pháp cũng sẽ đẩy mạnh công tác tham mưu về nhiệm vụ cải cách thể chế thuộc lĩnh vực quản lý của sở như xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP. Việc này sẽ giúp TP tạo hành lang pháp lý và là cơ sở chỉ đạo quan trọng để các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện hiệu quả công tác CCHC, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc CCHC trên địa bàn.

Bước đầu, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND TP ban hành quy định về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP.HCM; quy chế về kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và tổ chức, quản lý cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP.HCM…

. Sở Tư pháp đã làm gì để áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình giải quyết TTHC và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4?

+ Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thiện phần mềm quản lý hồ sơ công chứng và triển khai đến tất cả tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP.Đồng thời, thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu công chứng, cơ sở dữ liệu địa chính và xây dựng, cơ sở dữ liệu về vi bằng tại TP.

Sở Tư pháp cũng chuẩn bị thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế theo Nghị quyết 172/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng. Tham mưu UBND TP quyết định về phạm vi, mức độ và thời điểm triển khai việc đăng ký hộ tịch trực tuyến tại Sở Tư pháp và các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn TP theo quy định tại Nghị định 87/2020 quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

. Xin cám ơn bà.

Xử lý nạn “giả người, giả giấy” trong hoạt động công chứng

Để đẩy mạnh CCHC, thời gian tới các địa phương, đơn vị cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ CCHC, kiểm soát TTHC. Cùng đó là tăng cường thông tin, tuyên truyền về lợi ích của các dịch vụ công trực tuyến, trả nhận hồ sơ qua bưu điện; đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống, xử lý nạn “giả người, giả giấy” trong hoạt động công chứng; kịp thời xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm