So với ông Trump, ông Biden còn cứng rắn hơn với Nga,Trung

Hai tháng sau khi nhậm chức, mối quan hệ giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc (TQ) dưới thời Tổng thống Joe Biden dường như đang có một khởi đầu khó khăn, thậm chí thù địch. Tuần trước, ông Biden trả lời phỏng vấn của đài ABC News đã công khai gọi ông Putin là “kẻ giết người” (killer) vì cho rằng chủ nhân điện Kremlin có dính líu tới vụ đầu độc nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny cũng như khẳng định ông Putin phải “trả giá” vì chỉ đạo can thiệp bầu cử Mỹ năm ngoái. 
Tổng thống Putin sau đó đã phản hồi lại bằng cách “chúc sức khỏe” ông Biden và kỳ vọng hai bên sẽ có một cuộc trao đổi thẳng thắn trên sóng truyền hình trong thời gian tới. Một ngày sau, đến lượt quan hệ Mỹ-Trung lên bàn cân khi hai bên tranh cãi kịch liệt tại cuộc đối thoại hòa bình cấp cao ở TP Anchorage, bang Alaska. 
Theo tờ The Hill, giới chuyên gia nhận định chính quyền ông Biden đang bắt đầu triển khai chiến lược đối phó với Nga và TQ bằng cách thúc đẩy quan hệ với đồng minh, đối tác của Mỹ nhằm gia tăng sức ép chính trị lên hai quốc gia này. Ở chiều ngược lại, những dấu hiệu gay gắt và mạnh mẽ từ Moscow và Bắc Kinh cũng truyền đi một thông điệp rằng hai nước này đã sẵn sàng đối đầu với Washington.
 Họ đã nói
Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đang xem xét quan hệ Mỹ-Trung nhưng rõ ràng chúng ta đang thấy phe ủng hộ sự cạnh tranh về ý thức hệ và địa chính trị đang chiếm thế thượng phong so với phe thúc đẩy hợp tác về kinh tế và quản trị toàn cầu.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc ĐH Phục Đán (TQ) 
WU XINBO
Ông Biden làm ngoại giao khác hoàn toàn ông Trump 
Trước hết, hướng tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden về quan hệ Nga-Mỹ hiện nay được đánh giá là một “luồng gió mới” so với lập trường hòa hoãn dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Trong khi ông Trump giữ thái độ thân thiện với Tổng thống Nga Putin và hạ thấp những đánh giá của các cơ quan Mỹ về mối đe dọa từ Nga thì chính quyền Tổng thống Biden sẵn sàng mở rộng các lệnh trừng phạt với Moscow, nhất là sau vụ đầu độc ông Navalny. 
Đối với TQ, chính quyền ông Biden cũng cho thấy họ đang “đảo ngược” những nhận định ban đầu của đảng Cộng hòa rằng Tổng thống Biden quá mềm yếu với TQ. Hồi tháng 1, chính quyền ông Biden từng khẳng định rằng hướng tiếp cận của họ với Bắc Kinh là từ “vị thế sức mạnh”, sử dụng các gói cứu trợ ứng phó COVID-19 trong nước để cho thấy nước Mỹ không bao giờ gục ngã trước nghịch cảnh và tăng cường đối thoại với đồng minh, đối tác để củng cố liên kết quốc tế và củng cố trật tự do Mỹ lãnh đạo.

Tổng thống Joe Biden trong một cuộc họp báo hồi tháng 12-2019
ở bang Delaware, Mỹ. Ảnh: CNN

The Hill tường thuật lại trong cuộc đối thoại Alaska, Ủy viên Bộ Chính trị TQ Dương Khiết Trì đã chỉ trích những nỗ lực của Mỹ nhằm tập hợp đồng minh, đối tác rằng: “Tôi không nghĩ đa số quốc gia trên thế giới hiện nay công nhận rằng những giá trị phổ quát được Mỹ ủng hộ có thể đại diện cho quan điểm của công chúng quốc tế”. Ngoại trưởng Antony Blinken lập tức đáp trả rằng có lẽ phái đoàn TQ nên để phái đoàn Mỹ trình bày vì những gì thật sự diễn ra không hề giống những gì Bắc Kinh đang nghĩ trong đầu. 
“Tôi có nhiều điểm bất đồng với ông Biden về mặt chính sách nhưng nhìn chung thì người dân Mỹ nên đoàn kết với chính quyền để chống lại sự trỗi dậy của TQ. Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã đúng khi tuyên bố “nước nào đặt cược vào việc chống lại nước Mỹ sẽ không bao giờ là điều tốt”” - nghị sĩ đảng Cộng hòa Ben Sasse, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện, đánh giá.
Phép thử sớm cho chính quyền ông Biden
Ở chiều ngược lại, chuyên gia Anthony Ruggiero thuộc Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (Mỹ) nhận định sự xuất hiện của những tuyên bố ngày càng mạnh mẽ từ Nga và TQ cũng là một phép thử sớm cho chính quyền Tổng thống Joe Biden.
“Đây có thể là một nỗ lực của hai nước này nhằm gây sức ép với chính quyền Mỹ mới để xem liệu họ có sẵn sàng ứng phó hay không, có thể là qua các lệnh trừng phạt hoặc những hình thức phản ứng khác” - ông Ruggiero cho hay. 
Ngoại trưởng Blinken dự kiến sẽ tới thủ đô Brussels của Bỉ ngày 22-3 tới để tham dự cuộc họp với các quan chức cấp cao thuộc liên minh NATO và Liên minh châu Âu (EU). Thách thức TQ và Nga nhiều khả năng sẽ là tâm điểm thảo luận trong sự kiện này.
“Như những gì các bạn thấy những ngày gần đây, chúng tôi cho rằng mối quan hệ của chúng tôi với Nga vẫn là một thách thức. NATO nhận thức rất rõ về điều này và đây là vấn đề mà tôi cho rằng chúng ta cần sẵn sàng chuẩn bị” - Quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ Philip Reeker khẳng định trong cuộc họp báo ngày 19-3. Ông Reeker còn đánh giá Nga và TQ ngày càng có nhiều lợi ích chung trong các vấn đề toàn cầu, do đó hai nước này sẽ tìm cách làm suy yếu vị thế của Mỹ.
“Các mục tiêu cuối cùng của họ có nhiều điểm chung và điều này sẽ còn tiếp diễn. Cả hai nước này đều muốn chống lại Mỹ, dịch chuyển trật tự quốc tế sang một trạng thái ít chịu sự chi phối của Mỹ hơn” - ông Reeker kết luận.•

 Mỹ, Trung lại tranh cãi kịch liệt ở Liên Hợp Quốc

Tại phiên họp hôm 19-3 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế chống phân biệt chủng tộc, Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield khẳng định chế độ nô lệ từng tồn tại ở mọi ngóc ngách trên thế giới, trong đó bà cũng có nguồn gốc là con cháu nô lệ gốc Phi và “đáng buồn là nó vẫn tồn tại cho đến hôm nay” - theo đài CNN.

Cũng theo bà Thomas-Greenfield, vấn đề phân biệt chủng tộc hiện vẫn tồn tại và “tiếp tục là thách thức hằng ngày” ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhà ngoại giao Mỹ đề cập trực tiếp tới cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar và người Duy Ngô Nhĩ ở TQ.

Phản ứng lại, Phó Đại sứ TQ Dai Bing lên tiếng chỉ trích Mỹ đang cố tình đưa ra “cáo buộc mang động cơ chính trị”. Nhà ngoại giao TQ gọi phát biểu của đại sứ Mỹ là “tin đồn” sai trái và là “lời nói dối trắng trợn”. 

“Tôi đề nghị Mỹ nên thực hiện các biện pháp thiết thực để chấm dứt các vụ việc phân biệt đối xử và thù ghét, thậm chí sát hại những người gốc Phi và gốc Á, đang xảy ra tại Mỹ” - ông Dai Bing nêu rõ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm