Sơn lại tàu ở Bình Định, không thay thép dỏm

Các ngư dân là chủ bốn tàu vỏ thép ở Bình Định miễn cưỡng cho sơn sửa lại các con tàu bị rỉ sét mà không phải tháo bỏ thép Trung Quốc, đóng lại bằng thép mới. Kết quả cuộc họp do Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định tổ chức ngày 8-9 như trên.

Chấp nhận thép không đạt quy chuẩn

Tại cuộc họp, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã công bố kết quả kiểm tra, đánh giá vật liệu thép của bốn con tàu do hai PGS-TS chuyên ngành vật liệu kim loại-luyện kim từ TP.HCM thực hiện.

Theo báo cáo của PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, cả bốn tàu vỏ thép trên đều bị rỉ sét nặng cả thân tàu, sàn tàu cùng nhiều hạng mục khác. Các mối hàn xấu, không được làm sạch, nhẵn, các lớp sơn không đảm bảo chất lượng, bong rộp ở rất nhiều vị trí. Nguyên nhân rỉ sét không phải do vật liệu làm vỏ tàu mà do không có biện pháp bảo vệ vỏ tàu theo quy định.

Về kết quả giám định kết luận bốn tàu trên đóng bằng thép Trung Quốc có hàm lượng mangan (Mn) thấp hơn quy chuẩn Việt Nam QCVN 21:2010, các chuyên gia cho rằng không ảnh hưởng đáng kể đến ăn mòn nên đề xuất sơn lại toàn bộ bốn vỏ tàu theo đúng quy định. Cần thiết kế lắp đặt hệ thống bảo vệ chủ động vỏ tàu bằng điện hóa cho phần tàu chìm dưới nước, phủ epoxy trên sàn tàu, các thiết bị trên boong theo quy định tàu biển; kiểm tra siêu âm toàn bộ, mài nhẵn, sơn phủ các mối hàn trên tàu…

Bốn tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bị rỉ sét nằm chờ sửa chữa nhiều tháng nay. Ảnh: TẤN LỘC

Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản cũng thống nhất với các nhận định, đề xuất của các chuyên gia.

Tại cuộc họp, lúc đầu hai chủ tàu yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) phải tháo bỏ thép Trung Quốc, đóng lại bằng thép mới Hàn Quốc hoặc Nhật Bản đúng theo hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, sau khi nghe các bên nhùng nhằng, các chủ tàu đều cho rằng họ đã quá mệt mỏi, lo lắng, sốt ruột vì tàu phải nằm bờ đã quá lâu, nợ đang chồng chất, cuộc sống gia đình kiệt quệ nên miễn cưỡng chấp nhận phương án cho sơn lại tàu mà không phải thay thế thép. “Quanh đi quẩn lại, cuối cùng mọi chuyện cũng đâu lại vào đó. Chúng tôi hết đường rồi, đành chấp nhận thôi chứ còn đường nào khác” - ngư dân Nguyễn Văn Mạnh nói.

Cột trách nhiệm của đăng kiểm

Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, nói ông hoàn toàn không đồng ý với ý kiến cho rằng việc thiếu hàm lượng Mn trong thép đóng tàu không ảnh hưởng đáng kể. “Về nguyên tắc, đã đưa ra quy chuẩn QCVN 21:2010 thì bắt buộc phải đạt quy chuẩn ấy. Nhà khoa học thì tôi tôn trọng nhưng nói thiếu Mn không ảnh hưởng là rất vô lý! Phải căn cứ vào tiêu chuẩn Việt Nam vì đó là căn cứ pháp lý” - ông nói.

Ông Tân cũng cho là ngư dân phải chấp nhận cho sơn lại vì bà con đã chờ đợi quá lâu, kéo dài chỉ thiệt hại thêm. “Về mặt pháp lý, rõ ràng Công ty Đại Nguyên Dương sai nghiêm trọng, làm gian dối và ngư dân hoàn toàn có căn cứ để khởi kiện Công ty Đại Nguyên Dương. Có điều việc kiện tụng sẽ kéo dài thời gian, bà con càng điêu đứng… Vì vậy, khi đồng ý cho sơn sửa lại tàu, ông yêu cầu cơ quan đăng kiểm phải chịu trách nhiệm vì đã thống nhất phương án cho sơn sửa cũng như giám sát quá trình khắc phục. “Cho sơn sửa lại mà tàu vẫn tiếp tục rỉ sét, hư hỏng thì phải quay trở lại giải quyết nghiêm túc” - ông nói.

Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Đại Nguyên Dương, cam kết sơn sửa lại tàu theo đúng quy trình, quy định. Ông cho là sẽ làm xong việc này trong vòng 15 ngày nhưng viện nhiều lý do, khó khăn khi thay chủng loại sơn, kiểm tra quy trình phun sơn…

Đánh giá lại chất lượng, bồi thường cho ngư dân

Từ yêu cầu của các ngư dân, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, yêu cầu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - đơn vị cho vay đóng tàu vỏ thép - thuê đơn vị thẩm định độc lập đánh giá lại chất lượng, giá trị từng con tàu để làm cơ sở buộc Công ty Đại Nguyên Dương bồi hoàn tiền chênh lệch đã thu từ hợp đồng ký với ngư dân. Hiện Sở NN&PTNT đang phối hợp với chính quyền các địa phương thống kê thiệt hại để buộc các công ty đóng tàu bồi thường thiệt hại cho ngư dân trong thời gian tàu nằm bờ.

Ông Hổ yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương cùng các chủ tàu phối hợp hoàn chỉnh thiết kế lại đối với từng con tàu để chuyển đổi nghề lưới vây sang lưới chụp, trình các cơ quan chức năng phê duyệt trước khi tiến hành sửa chữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới