Góc nhìn

Sốt ruột… với “có tiền mà không tiêu được”!

(PLO)- Có nhiều lý do cho thực trạng "có tiền mà không tiêu được" nhưng nếu khuyến khích được cán bộ sáng tạo, đột phá sẽ phá vỡ tình trạng này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự “sốt ruột” tình hình giải ngân đầu tư công, vốn đang được đặt hy vọng là bệ đỡ tăng trưởng, cho phục hồi kinh tế trong tình hình khó khăn hậu COVID-19.

Dẫn chứng được ông Huệ nêu ra trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách sáng 25-5 là năm 2021, giải ngân đầu tư công chỉ đạt hơn 70%. Công tác triển khai gói kích thích kinh tế 347.000 tỉ đồng mà Quốc hội quyết định ở kỳ họp bất thường hồi tháng 1 thì đến kỳ họp giữa năm này, phần danh mục dự án dự kiến được rót vốn mới chỉ có tên.

Thậm chí, lĩnh vực y tế đã phải vất vả vật lộn với đại dịch, mà qua đó bộc lộ không ít mặt hạn chế, nay được ưu tiên rót 14.000 tỉ đồng, còn chưa lên được danh mục tiêu tiền. Rồi “sóng và máy tính cho em” - một chương trình có cái tên rất nhân văn, rất có hiệu quả với việc học online trong thời gian giãn cách, đến nay đã offline trở lại, vẫn chưa đi đến đâu...

Có tiền mà không tiêu được - vấn nạn của giải ngân đầu tư công gây “sốt ruột” cho Chủ tịch Quốc hội, bởi tình trạng ấy đã xuất hiện từ rất rất lâu, mà mới nhiệm kỳ trước, khi còn là Phó Thủ tướng Chính phủ, ông đã có trải nghiệm.

Giải trình chất vấn của Quốc hội ngày 15-6-2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải thừa nhận với đại diện quốc dân đồng bào, rằng “ta có tiền mà không tiêu hết được” là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng tăng trưởng kinh tế. Khi ấy, ở vai Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng, ông đã thẳng thắn: “Nguyên nhân gì thì chúng tôi cũng nhận trách nhiệm với Quốc hội và hứa làm trong thời gian tới”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc ấy, ở thời gian cuối nhiệm kỳ, trước khi làm Chủ tịch nước sau Đại hội XIII, cũng nhiều lần nhắc đến tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, ngay tại các hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

“Phải xử lý tình trạng có tiền mà không tiêu được”; “không chấp nhận có tiền mà không tiêu được, cứ nghèo mãi”… không chỉ là mong muốn của ông, mà còn của các lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ trước, trước nữa.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng rõ ràng tiền có mà không tiêu được thì địa chỉ trách nhiệm đầu tiên là ở khâu tổ chức thực hiện. Đó là hạn chế trong năng lực lập dự án, trong phê duyệt, tổ chức đấu thầu, tổ chức thi công, triển khai dự án.

12 đại dự án đầu tư công từ năm nảo năm nào, đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XI kết luận là kém hiệu quả, tiếp theo sang Đại hội XII là những án hình sự và kỷ luật, chưa khắc phục được bao nhiêu, tới nhiệm kỳ Đại hội XIII giải quyết được một phần, được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội kỳ họp này, như là kết quả công tác điều hành, là những ví dụ điển hình.

Nhưng nói vậy là chưa đủ. Nguyên nhân của chậm giải ngân đầu tư công còn đến từ “rừng luật” và “luật rừng” mà đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa ví von. Và cả những gì đang chùng xuống, sợ sệt - hiệu ứng hậu thanh tra, kiểm tra, khởi tố hàng loạt vụ việc ở ngành y tế - đến mức bệnh viện ngại mua sắm thuốc men, thiết bị vốn gắn với tính mạng, sức khỏe của người dân, mà đại biểu Phan Văn Mãi, Chủ tịch TP.HCM, thẳng thắn nêu ra.

Giải pháp từ căn bệnh trầm kha ấy có lẽ sẽ được tìm thấy nếu ngay kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ và chính quyền các cấp nhiệm kỳ này triển khai quyết liệt Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị, ban hành hồi tháng 9-2021, về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Giải ngân đầu tư công sẽ không quá khó và sẽ phát huy hiệu quả như kỳ vọng nếu từ thực tiễn khó khăn, cán bộ được khuyến khích tư duy sáng tạo, mạnh dạn với cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn, nút thắt cơ chế, chính sách.

Sẽ không còn tình trạng có tiền mà không tiêu được nếu cán bộ tuân thủ quy định nhưng cũng dám nghĩ, dám làm với những vấn đề chưa có quy định, hoặc quy định không phù hợp thực tiễn, để rồi mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, chuyển biến mạnh mẽ, góp phần tích cực vào sự phát triển chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm