Thái Lan, một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á cũng đã có những động thái mang tính phòng ngừa đối với các dự án hạt nhân mà nước này đang có kế hoạch triển khai.
Thủ tướng Abhisit Vejjajiva ngày 14/3/2011 đã yêu cầu Bộ năng lượng nước này cân nhắc lại kế hoạch xây dựng 5 nhà máy điện hạt nhân phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.
Nhà máy điện hạt nhân, ảnh minh họa
Cụ thể Bộ năng lượng Thái Lan đã được hướng dẫn phải tiến hành nghiên cứu 2 vấn đề lớn đối với ngành hạt nhân là các biện pháp ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp và việc liệu các nhà máy điện nguyên tử của Thái Lan sau khi được xây dựng xong có thể trở thành các mục tiêu khủng bố hay không.
“Về cá nhân Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, ông ấy không ủng hộ các kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Lo ngại của ông ấy là bài học mà Nhật Bản đang phải đối mặt. Liệu Thái Lan có thể xử lý được như trường hợp của Nhật Bản hay không, thậm chí bằng công nghệ cao nhất người Nhật vẫn không thể khôi phục được hệ thống làm lạnh của nhà máy bị sự cố”.
“Thực tế cũng chỉ ra rằng vẫn có những kẽ hở nguy hiểm khi bạn áp dụng công nghệ ưu việt nhất” – Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Panitan Wattanayagorn nói.
Hiện nay trên toàn thế giới có tổng cộng 442 lò phản ứng hạt nhân, những lò phản ứng này cung cấp 15 % nhu cầu điện năng trên toàn cầu, hiện có đến 65 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng – theo báo cáo của Hiệp hội hạt nhân thế giới có trụ sở tại London.
Nhật Bản hiện đang vận hành tổng cộng 54 lò phản ứng hạt nhân, nơi 2 lò phản ứng khác đang được xây dựng cùng 12 lò nguyên tử khác đã được lên kế hoạch xây dựng mới.
Số này chưa tính đến khoảng 155 lò phản ứng khác mà chủ yếu đang được lên kế hoạch xây dựng tại châu Á.
Hiện chính phủ Thuỵ Sỹ đã đình chỉ các dự án xây mới để thay thế các nhà máy hạt nhân cũ của nước này ngay sau khi xảy ra sự cố nổ 2 lò phản ứng vì ảnh hưởng của động đất và sóng thần tại Nhật Bản cách đây 4 ngày.
Theo Lê Dũng (VTC News/The Nation/ANN)