Sửa HP: Chính quyền địa phương vẫn “kẹt cứng”

Sáng 23-10, thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành HP năm 1992, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Việc thảo luận này hết sức quan trọng như “mài ngọc, càng mài càng phải sáng”.

Tại sao lại bỏ Hội đồng HP?

Theo đại biểu (ĐB) Ngô Văn Minh (Quảng Nam), mọi tổ chức Đảng và đảng viên đều phải sống và làm việc trong khuôn khổ HP và pháp luật. Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình.

“Điều 4 dự thảo HP khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là đúng đắn. Đại đa số nhân dân, cán bộ khi được lấy ý kiến cũng tán thành. Nhưng nếu trong dự thảo có quy định để nhân dân góp ý với Đảng nhằm xây dựng Đảng vững mạnh hơn thì đây là nguyện vọng rất chính đáng” - ông Minh nói.

Tuy nhiên, ông Minh cũng bày tỏ băn khoăn: “Dự thảo HP được xây dựng phù hợp với các nội dung mà cương lĩnh, nghị quyết của Đảng đề cập. Nhưng thực tế, cương lĩnh, nghị quyết chỉ tồn tại với thời gian năm năm thôi, còn HP thì tồn tại 30-40 năm”.

Sửa HP: Chính quyền địa phương vẫn “kẹt cứng” ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng Lời nói đầu trong dự thảo sửa đổi HP 1992 có nhiều điểm cần phải nghiên cứu, hoàn thiện thêm. Ảnh: THÀNH VĂN

So sánh giữa nghị quyết và Dự thảo HP về đề xuất lập hội đồng bảo hiến, ông Minh chỉ rõ: “Nghị quyết Đại hội X, XI của Đảng và trong Nghị quyết trung ương 2, khóa XI vừa qua đã yêu cầu “nghiên cứu xây dựng một cơ chế phán quyết về các hành vi vi phạm HP”. Thế nhưng trong dự thảo HP lần này lại không đưa quy định Hội đồng HP vào. Điều này khiến cho nhiều người khá tâm tư. Tại sao có những nghị quyết của Đảng thì thực hiện, có những điều nghị quyết đề cập nhưng lại bỏ ra ngoài dự thảo?”.

Dân quan tâm đến giá bồi thường

Liên quan đến các quy định về thu hồi đất trong dự thảo HP, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu quan điểm: “Tôi không phản đối việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, do vấn đề này dễ tạo sơ hở, lạm dụng nên phải soạn thảo lại nội dung này chặt chẽ hơn trong HP. Theo đó, cần ghi rõ “thu hồi đất vì mục đích phát triển KT-XH gắn với lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia”.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cũng phân tích: “Người dân không phản đối thu hồi đất, điều họ quan tâm là được bảo vệ lợi ích, bồi thường thế nào”. Bà Tâm cho rằng phải bồi thường theo giá thị trường thì mới công bằng dù thu hồi với mục đích nào - lợi ích quốc gia, công cộng hay để phát triển kinh tế. “Không nên có chênh lệch mức giá bồi thường theo mục đích thu hồi đất vì có thể làm ảnh hưởng méo mó quy hoạch sử dụng đất. Người dân sẽ hiểu sao khi việc hai khu đất cạnh nhau nhưng có giá bồi thường khác nhau vì thu hồi sử dụng vào mục đích khác nhau?” - bà Tâm nói.

Cũng theo bà Tâm, thực chất lợi ích quốc gia đã bao hàm cả ý nghĩa các lợi ích công cộng, phát triển KT-XH nên có thể quy định ngắn gọn chung “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia”. Đồng thời, phải quy định “việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch” nhưng cần bỏ cụm từ “được bồi thường theo quy định của pháp luật” vì người dân bất an lo rằng cụm từ này khi thi hành sẽ tạo kẽ hở để lạm dụng.

Vẫn chưa rõ về chính quyền địa phương

Góp ý về chương chính quyền địa phương (CQĐP) trong dự thảo, bà Tâm cho rằng dự thảo HP thiết kế chương CQĐP còn lúng túng, không rõ. “Đọc hai điều khoản mới (111 và 112) thì thật sự không thể hiểu CQĐP là thế nào. Dự thảo đã không định nghĩa được CQĐP nên các quy định về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và mối tương quan với UBND và HĐND càng không rõ” - bà Tâm nói.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng cho rằng Ban soạn thảo dự thảo HP phải “viết lại”, nếu không đề án CQĐP cũng sẽ kẹt luôn. “Một nguyên tắc quan trọng nhất trong thiết kế mô hình CQĐP là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Chứ nếu duy trì CQĐP ba cấp như hiện nay thì không ngân sách nào chịu nổi. Thu không đủ chi hoạt động thì làm sao cải cách tiền lương, đổi mới, tăng chất lượng quản lý nhà nước. Cứ thế này thì bộ máy cứ ngày càng phình ra, không thể tinh giản được” - ông Lịch nêu ý kiến.

Sửa HP: Chính quyền địa phương vẫn “kẹt cứng” ảnh 2
Sửa HP: Chính quyền địa phương vẫn “kẹt cứng” ảnh 3

THÀNH VĂN - BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm