Chiều 20-9, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần tìm và bịt các lỗ hổng làm phát sinh tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu… Ảnh: quochoi.vn |
Phải sửa luật nhằm chống gian lận, thất thoát, tiêu cực
Trong phần trình bày dự luật, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay: Lần sửa này có nhiều nhóm quy định phải sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Bộ trưởng Dũng cũng nêu các vấn đề sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn như quy định về các trường hợp chỉ định thầu nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để áp dụng trong các trường hợp cấp bách hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm gồm: Gói thầu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; gói thầu thuộc các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo nghị quyết của Quốc hội; gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn; gói thầu thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Dự thảo cũng làm rõ, phân định cụ thể các trường hợp, điều kiện áp dụng chỉ định thầu và điều kiện áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Đáng chú ý là hoàn thiện quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu, nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng…
Trong phần thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết khi thẩm tra đã yêu cầu Luật Đấu thầu phải đồng bộ với các luật khác, nhất là các luật quan trọng như Luật Đất đai vì vừa rồi doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng kêu.
Về tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “thông thầu” khi tổ chức đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị: Nói do luật (hiện hành) hở/hổng thì phải chỉ rõ hở/hổng ở chỗ nào và liệu luật mới có vá/bịt được không.
Phải chỉ rõ tắc chỗ nào, sửa ra sao
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra nên đi thẳng vào những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung là cái gì, vì sao phải sửa đổi. Theo ông Huệ, cần phải nhận diện thẳng vấn đề, như mỗi khi đầu tư công, đấu thầu, đấu giá… bị vướng, trễ thì đổ cho quy trình hành chính, thủ tục kéo dài, thậm chí ách tắc rồi nói do… luật.
“Sửa lần này cần chỉ thẳng ra nội dung nào ách tắc, phức tạp, làm cho đấu thầu kéo dài và sửa thế nào, có khắc phục được chuyện ấy không? Không đi thẳng vào cái này rất khó. Rồi sửa luật xong “nguyễn như vân” rồi lại bảo do luật” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội chỉ ra những vấn đề, ví dụ cụ thể như kết quả giảm giá qua đấu thầu rất thấp và từ đó cơ quan mượn cớ này để xin chỉ định thầu. Nhưng cũng có những đợt đấu thầu giảm giá rất lớn. “Như sây bay Long Thành, các anh Đồng Nai báo cáo tiết kiệm rất nhiều tiền mà chúng ta đấu thầu công khai, rộng rãi, nghiêm ngặt và giảm được rất nhiều” - ông Huệ nói.
Đối với tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, ông Huệ cũng đề nghị làm rõ: Nói hở/hổng là do luật thì phải chỉ rõ hở/hổng ở chỗ nào. “Ta nói bịt lỗ hổng thì lỗ hổng là cái gì, có lỗ hổng không, hổng ở đâu, vá thế nào, sửa thế nào. Tôi thấy phải đi thẳng vào, chứ nói chung quá” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông Huệ cũng nêu ý kiến về một số điều luật khác liên quan đến tham mưu, thẩm quyền của Thủ tướng trong dự luật, đồng thời khuyến nghị nên đưa một số quy định hiện hành trong đấu thầu vào luật cho minh bạch.•
Đấu thầu thuốc, vật tư y tế cần kịp thời
Khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng ngoài vấn đề về gian lận trong đấu thầu thì xã hội đang quan tâm đến tình trạng đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị y tế tuy rất cần nhưng thực hiện lại khó khăn. “Đề nghị báo cáo làm rõ đấu thầu cái này có những vấn đề gì mà khi tổ chức thực hiện lại khó như thế. Đến mức Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt mà vẫn thấy khan hiếm. Để thấy luật sửa đổi lần này khắc phục vấn đề này ra sao” - ông Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng dịch vụ y tế đòi hỏi tính kịp thời. Tuy nhiên, thuốc, trang thiết bị y tế khó dự trù nhu cầu vì phụ thuộc tình hình dịch bệnh, theo quy trình của luật mất thời gian, khi nhu cầu vượt dự trù. Vì vậy cái này phải tính trong dự án Luật Đấu thầu.
Còn ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, thì cho rằng: Khoản 3 Điều 51 Luật Giáo dục đại học cho phép cơ sở giáo dục chọn tổ chức kiểm định chất lượng. Tuy nhiên thực tiễn, do kinh phí lớn nên việc tổ chức đấu thầu rất khó, ít có đơn vị kiểm định có chất lượng tham gia. Vì vậy có tổ chức/đơn vị kiểm định bỏ và trúng thầu với giá thấp thường đi kèm là năng lực yếu, trong khi cơ sở giáo dục đại học muốn chọn tổ chức có năng lực tốt. “Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cái này tương tự như y tế” - ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng đề cập đến vấn đề sách giáo khoa (SGK) và nói: “Nhà xuất bản chủ động biên soạn SGK, giả sử chúng ta thấy cần thiết Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK thì việc đấu thầu cũng là yếu tố phức tạp. Đề nghị ban soạn thảo đưa SGK vào danh mục phải đấu thầu để chúng ta có những bộ sách tốt”.