Sức bật cho vay tiêu dùng ở TP.HCM

Đầu năm 2016, thời điểm cận tết Nguyên đán, hàng loạt gói vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi 0% của các công ty tài chính đã được tung ra thị trường. Trong đó rất nhiều gói ưu đãi người tiêu dùng có thể sử dụng để mua hàng trả góp mà không phải trả bất cứ khoản phí nào, kể cả tiền lãi hằng tháng.

Vay tiêu dùng sẽ phát triển mạnh

Hiện nay các công ty tài chính đang hướng đến cho vay tiêu dùng ở ba dòng sản phẩm dịch vụ chính: Cho vay mua xe máy trả góp, cho vay mua sắm đồ điện tử gia dụng và dịch vụ cho vay tiền mặt. Bao gồm: cho vay theo lương, hóa đơn tiền điện, giấy phép đăng ký kinh doanh, theo hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng khác hay cho vay tiền mặt tại quầy, cho vay tiền mặt tại bưu cục, cho vay du lịch trả góp, cho vay đám cưới tự lập…

Đánh giá về hoạt động cho vay tiêu dùng tại thị trường TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết hoạt động cho vay tiêu dùng được các tổ chức tài chính rất chú trọng trong thời gian qua. Dự báo vay tiêu dùng sẽ là thị trường rất lớn và có thể phát triển mạnh trong thời gian tới. Hiện nay các tổ chức tín dụng đã triển khai rất nhiều sản phẩm hỗ trợ chương trình cho vay tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

Theo thống kê, năm 2015 dịch vụ cho vay tiêu dùng đã tăng trên 30% so với năm 2014 và triển vọng trong năm 2016, với sự nỗ lực của các tổ chức tài chính cùng với tốc độ phát triển kinh tế, cũng như sự gia tăng dân số của TP như hiện nay cho vay tiêu dùng sẽ đạt con số cao hơn năm 2015, chiếm tương đương 9%-10% tổng dư nợ vay trong toàn ngành ngân hàng TP.

Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng cho thấy trong bảy năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, tính bình quân đạt khoảng 1,5 triệu đồng/người. Số lượng người có nhu cầu vay các gói vay nhỏ hiện nay ở Việt Nam là rất lớn. Do đó, nhiều công ty tài chính HD SAISON, FECredit, HomeCredit đã tham gia đầu tư vào phân khúc này.

Minh bạch hóa điều kiện tín dụng

Để thị trường này phát triển đúng hướng, cần tạo dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh, theo hướng khuyến khích phát triển mảng hoạt động cho vay tiêu dùng với các món vay nhỏ, phục vụ cho đời sống nhân dân.

Hiện các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng đang rất nỗ lực để có thể quản lý tốt hoạt động cho vay tiêu dùng, với hai mục tiêu chính là bảo vệ người đi vay, đồng thời thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mọi người dân.

Cùng với đó, việc minh bạch hóa các điều kiện tín dụng, đặc biệt là lãi suất, cũng là giải pháp quan trọng để bảo vệ người đi vay khỏi các sai sót và bất công trong việc tính toán lãi vay, đồng thời giúp người đi vay có thể so sánh giữa các khoản vay và đưa ra quyết định hợp lý, trên cơ sở có đầy đủ thông tin.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết thực tế Ngân hàng Nhà nước và các định chế tài chính đã có nhiều biện pháp ở cả tầm vĩ mô và vi mô yêu cầu các định chế tài chính phải công khai và minh bạch lãi suất cho vay, tránh gây nên những sự hiểu nhầm của người đi vay đối với lãi suất cho vay. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác tích cực hơn cũng nên thấy rằng hoạt động cho vay tiêu dùng với lãi suất như vậy đã góp phần chính thức hóa hoạt động cho vay, đặc biệt với các hộ gia đình nhỏ lẻ. Trước đây, người dân chỉ có thể vay “chợ đen” với lãi suất rất cao, bị “cắt cổ” với lãi suất hơn 100%/năm thì nay họ đã có một lựa chọn tốt hơn, đó là vay từ ngân hàng hay các công ty tài chính với mức lãi suất dễ chịu hơn rất nhiều so với “tín dụng đen”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới